Quản trị bằng thói quen

Lần đầu tiên, quản trị bằng thói quen (Management by Habits – MBH), một phương pháp quản trị độc đáo đã được nhiều tập đoàn trên thế giới áp dụng thành công và cũng đang là xu hướng mới của quản trị toàn cầu, được giới thiệu tại Việt Nam. “Gieo thói quen thành công, gặt kết quả vượt trội”, thông điệp cốt lõi của phương pháp quản trị này, đã được trình bày tại hội thảo “Từ quản trị theo mục tiêu đến quản trị bằng thói quen”, do trường Doanh nhân PACE và FranklinCovey Worldwide tổ chức tại TPHCM vào ngày 3-6-2014.
Nơi ấp ủ phương pháp quản trị này, đồng thời hợp tác chiến lược với FranklinCovey Worldwide, một tổ chức phát triển lãnh đạo hàng đầu thế giới, nhằm đẩy mạnh việc triển khai phương pháp này tại Việt Nam chính là trường Doanh nhân PACE. Chia sẻ với TBKTSG, ông Giản Tư Trung, người sáng lập PACE, cho rằng quản trị bằng thói quen là một cuộc cách mạng mới trong phương cách quản trị theo hướng cải biến và đột phá.
Nhiều thập kỷ nay, các nhà quản trị trên khắp thế giới đã quá quen thuộc với các phương pháp kinh điển như “quản trị theo mục tiêu” (Management by Objectives – MBO), “quản trị theo quy trình” (Management by Process – MBP), “quản trị theo giá trị” (Management by Values – MBV)… Phương pháp MBO, được cha đẻ của khoa học quản trị hiện đại Peter Drucker đưa ra cách đây đúng 60 năm, sau đó phương pháp MBP ra đời (phổ biến nhất là ISO), rồi tiếp đó là MBV…
Rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng và đã thành công với các phương pháp này. Tuy nhiên, mỗi phương pháp quản trị dù có những điểm ưu việt thì vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn phương pháp MBO, tuy rất hữu hiệu, nhưng tính chất thực dụng của nó dễ gây ra cảm giác lạnh lùng và “thiếu tính nhân văn”, vì đôi khi quá chú trọng mục tiêu mà quên đi những yếu tố khác.
Trong hội thảo đầu tiên về phương pháp MBH tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế nhận định rằng phương pháp quản trị mới này có thể “kế thừa” được những ưu thế của MBO, MBP hay MBV, bù đắp được nhiều nhược điểm như đã nêu trên, đồng thời lại có những ưu việt riêng.
Tại sao phải quan tâm đến vấn đề “thói quen”?
Có mối quan hệ rất lớn giữa thói quen của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia và số phận của chủ thể đó. Xưa nay người ta vẫn hay nói “bản tính quyết định số phận”, nhưng “chính thói quen là cái làm nên bản tính”, ông Trung nhận xét. Vì vậy, những ai quan tâm đến số phận và muốn thay đổi số phận thì buộc phải quan tâm đến thói quen, và cần nhận ra đâu là những thói quen quan trọng nhất để giúp mình thành công, rồi từng bước thẩm thấu và biết cách hình thành những thói quen đó.
Chẳng hạn với mỗi cá nhân, thói quen xấu sẽ dẫn người đó tới kết cục xấu, và ngược lại, thói quen tốt sẽ tạo nên cuộc đời thành công bền vững. Tương tự, một nhà lãnh đạo muốn cải biến tổ chức của mình thì trước hết phải cải biến được con người trong tổ chức mình và những thói quen của họ. Nhiều người không thích cụm từ “cải biến thói quen”, vì có vẻ như nó hàm ý chê trách cái người ta hiện có là bảo thủ, cũ kỹ, sa vào lối mòn; trong khi những từ như “sáng tạo, đổi mới, năng động” nghe sẽ có vẻ tích cực hơn. Chưa kể là “non sông dễ đổi, bản tính khó dời” như ông bà ta vẫn thường nói.
Tuy nhiên, phương pháp MBH thú vị ở chỗ không tuyên chiến trực tiếp với thói quen xấu, cũng không “đụng” vào bản tính hiện hữu vì đó là những thành trì khó tấn công. Thay vào đó, nó chọn ra những thói quen tốt có thể giúp cá nhân hay tổ chức trở nên hiệu quả hơn và nhân văn hơn (gọi là những “thói quen thành công”) và khuyến khích việc thực hành những thói quen đó. Khi những “thói quen thành công” được thực hành lâu ngày, chúng sẽ trở thành bản tính và giúp các cá nhân và tổ chức được cải biến một cách căn bản và lâu dài.
Ngoài ra, phương pháp MBH có thể được “may đo” linh hoạt cho từng cá nhân, từng nhóm, từng tổ chức, từng ngành nghề, từng gia đình, từng cộng đồng khác nhau. Một cá nhân có thể dùng MBH để cải biến bản thân, một trưởng nhóm có thể dùng MBH để “cải tạo” đội ngũ, một nhà lãnh đạo có thể dùng MBH để làm “cách mạng” thay đổi bản tính của cả tổ chức. Và thậm chí, một lãnh đạo quốc gia có thể áp dụng MBH để “canh tân văn hóa” cho cả đất nước bằng cách thay dần “thói xấu” bằng “thói tốt” của cộng đồng xã hội và hình thành nên “dân tộc tính” mới, ưu việt hơn. Nói cách khác, dù ở quy mô nào, nếu biết gieo thói quen thành công thì sẽ gặt được kết quả vượt trội.
Làm sao nhận biết được những thói quen thành công?
Có thể xác định đâu là những thói quen tốt, phù hợp với mình và tổ chức của mình bằng nhiều cách: quan sát, học hỏi, tìm hiểu, tự phân tích bản thân, bàn bạc và chia sẻ trong nhóm, trong tổ chức, trong cộng đồng.
Theo ông Peter Kasic, Phó chủ tịch FranklinCovey Worldwide, một trong những “cẩm nang” đắc lực nhất thường được các nhà lãnh đạo tham khảo là cuốn sách 7 Habits (7 thói quen) của Stephen Covey (một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất theo bình chọn của tạp chí Time). Được xuất bản dưới 40 ngôn ngữ khác nhau với hơn 25 triệu bản in được bán ra trên toàn thế giới (trở thành tác phẩm quản trị bán chạy nhất mọi thời đại), cuốn sách chỉ ra ba thói quen để tạo nên thành công cá nhân, ba thói quen để tạo nên thành công tập thể, cộng thêm thói quen thứ 7 là luôn làm mới bản thân về cả bốn mặt là thể xác, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần.
Một cách ví von, nếu như Windows là hệ điều hành của máy tính thì có thể xem “7 Habits” là một “hệ điều hành” của con người. Hệ điều hành này nếu được “cài đặt” thành công thì có thể nâng cao hiệu quả và kiến tạo nhân văn cho các chủ thể.
Các tập đoàn thế giới “cài đặt” thói quen thành công như thế nào?
Việc nhận biết và thấu hiểu các thói quen thành công đã khó, tuy nhiên, biết cách hình thành và nỗ lực hình thành những thói quen này cho bản thân mình và tổ chức mình còn khó hơn rất nhiều. Do vậy, bên cạnh cuốn sách 7 Habits, chương trình đào tạo “7 Habits” của FranklinCovey Worldwide đã tiếp tục ra đời để hỗ trợ các cá nhân và các doanh nghiệp thực thi việc “cài đặt hệ điều hành MBH” cho bản thân và tổ chức một cách hiệu quả trong thực tế.
Chương trình đào tạo “7 Habits” đã được ghi dấu như một thương hiệu đặc biệt của FranklinCovey ở Mỹ, Nhật, châu Âu và hơn 150 quốc gia mà tổ chức này đang hoạt động. Cho đến nay, hơn 90% tập đoàn trong Top 100 Forturne, 75% tập đoàn trong Top 500 Fortune, và rất nhiều cơ quan chính phủ, cũng như các định chế giáo dục đã chọn FranklinCovey và chương trình đào tạo “7 Habits” trong việc phát triển lãnh đạo và cải biến tổ chức của mình.
Được sáng tạo dựa trên những nguyên tắc vượt không gian và những giá trị vượt thời gian về tính hiệu quả và tính nhân văn, nên “7 Habits” cũng có thể áp dụng được cho cá nhân và doanh nghiệp ở mọi quốc gia, mọi quy mô khác nhau. Và đó cũng là một trong những lý do mà PACE chọn hợp tác với FranklinCovey để giới thiệu phương pháp MBH này ở Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, PACE đã triển khai một mô hình “giáo dục tự thân” (kiến tạo chính mình) cho hàng vạn doanh nhân học viên rất hiệu quả. Mô hình này gồm chu trình năm yếu tố, đó là: khai minh chính mình, tìm ra/tìm lại chính mình, làm ra chính mình, sống với chính mình, và bảo vệ/trung thành với chính mình. Với phương pháp MBH, tinh thần “tự làm ra chính mình” sẽ tiếp tục được PACE cổ vũ, với những công cụ cụ thể, khoa học của FranklinCovey sẽ giúp các cá nhân và doanh nghiệp biết cách tự “cài đặt” những thói quen thành công mới cho chính mình.
“Bởi khi “hệ điều hành” bị lỗi, không ai ngoại trừ chính mình có thể sửa đổi, xuất phát từ động lực nội tâm muốn nắm bắt và thay đổi cuộc đời mình”, ông Trung nói.
FranklinCovey trở thành đối tác chiến lược của PACE
Kể từ tháng 6-2014, FranklinCovey Worldwide trở thành đối tác toàn cầu của trường Doanh nhân PACE, theo đó, PACE lập ra FranklinCovey Việt Nam và độc quyền triển khai các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới về phát triển lãnh đạo và nâng cao năng lực của tổ chức này.
Bằng việc hợp tác với FranklinCovey Worldwide, PACE mong muốn khởi phát một phương pháp quản trị độc đáo, mới mẻ tại Việt Nam để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình cải tổ và tạo ra những kết quả vượt trội trong giai đoạn môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đây không chỉ là bước ngoặt lớn trong chiến lược hiện thực hóa sứ mệnh “phát triển lãnh đạo và nâng cao doanh trí” của PACE, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho chiến lược phát triển lãnh đạo và nâng cao năng lực trong cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Tác giả: Trường Nam

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn