Quản trị tốt mới vượt qua được sóng gió (*)

Sự phục hồi chậm chạp, yếu ớt, nhiều rủi ro và bất định của kinh tế thế giới trong năm 2013 đã tác động bất lợi không nhỏ tới Việt Nam trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn. Mặc dù kinh tế vĩ mô có ổn định và khởi sắc, song các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.

TS Hàn Mạnh Tiến
PV có cuộc phỏng vấn sĩ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam
xung quanh vấn đề quản trị doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

PV: Nhiều người cho rằng, đối với doanh nghiệp hiện nay, chữ quan trọng nhất song hành với chữ “cạnh tranh” là chữ “kết nối”. Vừa qua, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức chương trình giao lưu “Kết nối các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam – Vì một nền quản trị tốt hơn”, chương trình này hướng đến những mục tiêu nào, thưa tiến sĩ?

TS Hàn Mạnh Tiến: Sự nghiệp “xây dựng một nền quản trị tốt hơn” hoàn toàn không dễ dàng, sự nghiệp này đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh của từng nhà quản trị, từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và nỗ lực của toàn xã hội. Chúng ta không thể làm được nếu không có sự kết nối và chia sẻ.

Kết nối các nhà quản trị với nhau để chia sẻ tầm nhìn, kiến thức và kinh nghiệm. Kết nối các nhà quản trị với người tiêu dùng để chia sẻ các mối quan tâm chung. Kết nối các nhà quản trị với các chuyên gia, các viện nghiên cứu, các trường đại học để huy động chất xám vào cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn và để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thế hệ các nhà quản trị mới. Kết nối các nhà quản trị với các nhà hoạch định chính sách để chia sẻ sự đa dạng và sống động của thực tiễn.

Mục tiêu chung của chúng ta là nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh của đất nước.

PV: Ông đánh giá ra sao về mức độ thành công của “sự kiện quản trị” này?

TS Hàn Mạnh Tiến: Chương trình là cơ hội để các nhà quản trị doanh nghiệp trao đổi rộng rãi với các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại đây, các nhà quản lý kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp đã trình bày nhiều tham luận đi sâu phân tích và đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Qua đó nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động quản trị doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận các thách thức cần vượt qua và các thành tựu đã đạt được của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam năm 2013.

Tôi tin rằng, bước tiếp sau của chương trình, các hoạt động thực tiễn sẽ được triển khai rộng rãi, cụ thể trong từng doanh nghiệp, trong cộng đồng doanh nghiệp và hằng năm, mỗi khi xuân về, chúng tôi lại cùng nhau gặp mặt để điểm lại những gì đã làm được, những gì cần làm tiếp cho “một nền quản trị tốt hơn” vì sự phát triển và phồn vinh của từng doanh nghiệp và của đất nước.

PV: Được biết ông là người đã từng có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp 25 năm qua, lại là Viện trưởng một viện nghiên cứu về quản lý, tiến sĩ có cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và biện pháp quản trị trong bối cảnh hiện nay?

TS Hàn Mạnh Tiến: Chúng ta vừa trải qua năm 2013, một năm đầy thử thách khắc nghiệt… Hơn ai hết, những nhà quản trị doanh nghiệp, những người mang trong mình một cái “nghiệp”, mang trên vai một trọng trách có tính quyết định đến sự thành bại của một tổ chức, đến sự sống còn của gia đình, bản thân, đến số phận của một cộng đồng – dù lớn hay nhỏ; chúng ta nhận thức một cách sâu sắc, qua những trải nghiệm có thể vừa tự hào, vừa cay đắng rằng, chúng ta cần và rất cần một “nền quản trị tốt”. Chỉ có quản trị tốt, chúng ta mới có thể tồn tại, mới có thể vượt qua sóng gió, mới có thể phát triển bền vững.

Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam trao chữ “Tâm” cho doanh nghiệp tiêu biểu

Tôi cho rằng, một “nền quản trị tốt” phải dựa trên một một thể chế minh bạch, trong đó quyền, quyền lợi, trách nhiệm, mối quan hệ của các chủ thể liên quan đến quá trình vận hành của doanh nghiệp phải được xác lập rõ ràng. Một thể chế đủ chặt chẽ để kiểm soát và ứng phó với các rủi ro; một thể chế đủ linh hoạt để quản trị sự thay đổi; một thể chế trong đó quyền lợi của các cổ đông, kể cả các cổ đông nhỏ được đảm bảo và bảo vệ; một thể chế trong đó từng thành viên được chăm lo, được tự do sáng tạo, đóng góp nhiều nhất vào giá trị vật chất và giá trị tinh thần của doanh nghiệp. Chúng ta cần sự thay đổi.

PV: Như vậy, thể chế chính là điều kiện “cần”, còn điều kiện “đủ” cho sự thay đổi này có lẽ không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp?

TS Hàn Mạnh Tiến: Chúng ta hiểu rằng, các nguyên lý, các mô hình quản trị đều có thể học hỏi được từ các doanh nghiệp, các nền kinh tế đã phát triển trước chúng ta hàng thế kỷ. Nhưng để vận hành thành công, chúng ta phải vận dụng các nguyên lý, các mô hình này vào bối cảnh con người Việt, với thói quen, truyền thống, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Do vậy, chúng ta rất cần đến các nhà quản trị, quản lý tài năng, có “Tâm”… Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng vào một nền quản trị doanh nghiệp Việt, đem lại chữ “Tín” cho đối tác, khách hàng – một chữ có ý nghĩa tuyệt đối đối với sự tồn tại của một tổ chức, mà hiện đang bị mai một một cách nguy hiểm.

Tất nhiên, việc xây dựng và vận hành một nền quản trị tốt trong phạm vi doanh nghiệp là cần nhưng hoàn toàn chưa đủ. Chúng ta cần một môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường pháp lý và hành chính minh bạch, công bằng, thông thoáng và dễ đoán định. Chúng ta cần một nền quản trị quốc gia tốt hơn và do đó, chúng ta cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây cũng là quyết tâm và đột phá của Chính phủ trong năm 2014 – như thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh. Hy vọng quyết tâm và đột phá này sớm được hiện thực hóa vào cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

(*: Bài phỏng vấn Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến của báo Xã luận tại chương trình kết nối các Nhà Quản trị DNVN)

Nguồn: Xã Luận