CHƯƠNG TRÌNH KẾT NỐI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM “VÌ MỘT NỀN QUẢN TRỊ TỐT HƠN” LẦN 3 – 2016

Ngày 30/01/2016 tại Hà Nội, Hội Các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) đã tổ chức Chương trình “Kết nối Các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam – vì một nền quản trị tốt hơn” lần thứ 3-2016 nhằm điểm lại những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2015, chia sẻ những vấn đề, những giải pháp để đi tiếp trên con đường đầy gian nan, thử thách. Tham dự hội thảo có lãnh đạo của các doanh nghiệp là hội viên VACD, các thành viên 3 Câu lạc bộ CFO Việt Nam, CLB Nhân sự Việt Nam, CLB Sales và Marketing Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, đại diện các trường, viện nghiên cứu.

TS. Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch VACD phát biểu khai mạc
Chương trình kết nối lần 3 – 2016

1 – Hội thảo “Thách thức quản trị 2016”: Các chuyên gia đầu ngành của Hội và của các Câu lạc bộ (VCFO – Giám đốc Tài chính, VNHR – Giám đốc Nhân sự, CSMO – Giám đốc Sales và Marketing) đã nhận dạng và cảnh báo về các thách thức Pháp lý, tài chính, nhân sự, bán hàng và marketing. Các đại biểu đã thảo luận về các thách thức và chia sẻ các giải pháp, từ đó mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà quản trị suy ngẫm để tìm ra các giải pháp tối ưu cho mình.
2 – Lễ vinh danh và trao kỷ niệm chương “Vì nền quản trị doanh nghiệp Việt Nam” cho các cá nhân và tổ chức đã có những đóng góp xuất sắc cho nền quản trị doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn thông qua các hoạt động của Hội và của các Câu lạc bộ năm 2015.
3 – Gala Dinner và giao lưu văn nghệ chào Xuân Bính thân.
Chương trình được bắt đầu với không khí sôi nổi, vui vẻ và ấm cúng: Mở đầu hội thảo là phần chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức về các thách thức pháp lý, đối với doanh nghiệp cần luôn cập nhật và nhạy bén các qui định của luật, cần tuân thủ luật một cách khôn ngoan để đảm bảo lợi ích hợp pháp và phát triển doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức – UVBCH, Trưởng Ban Tư vấn và phản biện chính sách của VACD, Chủ tịch HĐTV Công ty BASICO

Hội thảo cũng nghe các thách thức về tài chính từ ông Lê Hải Phong – Phó Giám đốc Câu lạc bộ CFO Việt Nam, đặc biệt sự gia nhập của Việt Nam vào AEC và TPP thúc đẩy doanh nghiệp cần phải quản trị tài chính theo chuẩn mực quốc tế để tránh các rủi ro.

Còn đối với thách về quản trị nhân sự, bà Đào Khánh Chi đã đưa ra các thách thức chính, đó là cạnh tranh về lực lượng lao động đối với những lao động cấp cao, nhu cầu rất lớn đối với lao động có kỹ năng nhưng nguồn lao động trong nước còn chưa đáp ứng, thiếu về kiến thức lãnh đạo, ngoại ngữ, kinh nghiệm so với thị trường lao động của các nước trong khu vực; việc cần luôn có các chính sách thu hút, giữ chân nhân tài và cần phải quản trị sự thay đổi.

Bà Đào Khánh Chi – Thành viên Câu lạc bộ VNHR thuộc VACD, Đại diện Công ty dịch vụ tuyển dụng Talentnet tại Hà Nội.

Và thêm một thách thức rất quan trọng trong quản trị doanh nghiệp đó là thách thức bán hàng và marketing. Ông Lê Quốc Vinh chia sẻ phương pháp marketing hiện đại khác so với marketing truyền thống, gồm các quy trình nhận biết sản phẩm, tương tác với khách hàng, mua hàng, tạo sự trung thành của khách hàng và làm sao cho khách hàng sẽ là người bán hàng tiếp theo. Do vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển thương hiệu để xây dựng thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lê Quốc Vinh – Thành viên Câu lạc bộ CSMO thuộc VACD, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies.

Với những thách thức trên, TS. Nguyễn Đăng Minh đã đưa ra giải pháp về Quản trị tinh gọn “made in Việt Nam”. Quản trị tinh gọn là tư duy quản trị tạo ra lợi nhuận/ giá trị gia tăng cho doanh nghiệp/tổ chức bằng cách dùng trí tuệ con người với việc cắt giảm tối đa chi phí lãng phí. Ông cho rằng mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp làm việc theo tư duy và phương pháp của quản trị tinh gọn bằng tâm thế tốt nhất. Ông đã đưa ra hình khối gồm các tầng từ nền tảng đi lên đó là Tâm thế, Tư duy, Triết lý, Chiến lược, Giải pháp, Công cụ. Ông cũng nêu rõ nếu chúng ta không xác định Tâm thế của người Việt, Tư duy của người Việt, Triết lý của người Việt và chỉ tìm kiếm hay copy giải pháp của người Mỹ, người Nhật hay của ai đó thì sẽ không thể thành công. Hãy “Made in Việt Nam” những tầng cấp đó dù phải mất 10, 15 năm hoặc lâu hơn thì cũng phải quyết tâm. Tâm đắc nhất là Ông Minh đã chia sẻ các công thức và quyển sách ông đã đăng ký sở hữu trí tuệ để minh chứng cho lý luận của ông.

TS. Nguyễn Đăng Minh – Đối tác của VACD, Trưởng nhóm nghiên cứu về Quản trị tinh gọn – Đại học kinh tế, ĐHQGHN

Thêm một giải pháp nữa là hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp toàn diện DME do TS. Đinh Văn Hiến chia sẻ tại hội thảo. DME là công cụ nhằm tối ưu hoá các quá trình SXKD của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về trạng thái hoạt động của các quá trình, các số liệu cho các cấp lãnh đạo cũng như các đối tượng có nhu cầu khi truy cập vào hệ thống theo phân quyền.

TS. Đinh Văn Hiến – Phó Chủ tịch Hội VACD, TGĐ KNEC
Chủ tịch Hội VACD trao tặng Kỷ niệm chương cho những cá nhân được vinh danh “Vì nền quản trị doanh nghiệp Việt Nam”.
Đại diện Hội VACD và Ban tổ chức Chương trình Kết nối
trao Kỷ vật để tri ân các Nhà tài trợ Chương trình
Gala dinner