Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với lạm phát

Trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp VN đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không tìm được vốn, cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cùng Tạp chí Nhà quản lý đã tổ chức hội thảo “Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp”.

Công Thương – Tham dự có hơn 100 đại biểu, là các nhà quản trị DN, chuyên gia trong ngoài nước và đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, cùng nhau thảo luận, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cùng kiến nghị Chính phủ tìm những biện pháp chống lạm phát.

 Lạm phát, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

  TS Hàn Mạnh Tiến- Chủ tịch VACD- nói lên tâm trạng chung của các nhà quản trị DN: “Lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, đang tác động mạnh mọi khía cạnh đời sống KT-XH. Mưu sinh hằng ngày đang trở nên khó khăn hơn, giá đầu vào sản xuất liên tục tăng nhanh; nguy cơ một bộ phận thất nghiệp, phá sản đang hiển hiện”. Theo ông Tiến, rất nhiều doanh nghiệp VN đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không tìm được vốn, cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí.

   Ý kiến Chủ tịch VACD được mọi người nhất trí: Tình trạng hiện nay có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đây là thời điểm những yếu kém tích lũy nhiều năm trong quản lý vĩ mô và vi mô đã bộc lộ rõ nét.

 Bà Cao Thị Thúy Nga – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), đơn vị tài trợ hội thảo – phân tích, kinh tế Việt Nam đã hội nhập toàn cầu, vì vậy, các biến động của kinh tế thế giới luôn có tác động đến nền kinh tế nước ta. Chẳng hạn, một năm trước đây đã có thông tin về việc các ngân hàng Mỹ lỗ nặng do chính sách cho vay mua nhà dưới tiêu chuẩn nhưng các cơ quan quản lý của ta đã không có những biện pháp mạnh kịp thời đối với việc cho vay bất động sản. Nhiều ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu ồ ạt tăng tín dụng cho vay mua nhà mới kỳ hạn dài lên tới 20 năm, hạ thấp các tiêu chuẩn và điều kiện cho vay để tăng nhanh tín dụng, có ngân hàng tăng tới 70-100%. Hệ quả tất yếu là bài toán thanh khoản năm nay và là một nguyên nhân của lạm phát.

   Bên cạnh nguyên nhân khách quan (gồm tác động của kinh tế thế giới và ảnh hưởng của thiên tai), còn có các nguyên nhân chủ quan, mà trước hết từ những yếu kém cơ cấu nội tại nền kinh tế (mô hình tăng trưởng “nóng” kéo dài nhiều năm; hạ tầng cơ sở yếu kém; các nguồn lực chất lượng thấp, không được chuẩn bị; tính không đồng bộ của thị trường kéo dài, ít được quan tâm khắc phục; năng lực quản trị, chế ngự rủi ro thấp). Tiếp đến là việc chúng ta chưa chuẩn bị tốt năng lực hội nhập để đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức sau khi gia nhập WTO. Thiếu tầm nhìn; thiếu năng lực phối hợp và phản ứng chính sách; thiếu năng lực dự báo, cảnh báo. Thực trạng này của cả bộ máy quản lý nhà nước và bản thân mỗi DN, không thể ngày một ngày hai khắc phục.

   Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Hà Nội), thời gian tới, sự thành công của những giải pháp kiềm chế lạm phát và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế VN phụ thuộc rất lớn vào các việc: Tuân thủ đúng cả yêu cầu lẫn quy trình của kinh tế thị trường trong quản lý giá cả; Nâng cao chất lượng công tác dự báo kinh tế để chủ động kiểm soát lạm phát hiệu quả hơn; Cải cách căn bản khu vực DN nhà nước, nâng cao hiệu quả tài chính công…

 Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với lạm phát

   Trước thực tế rất khó khăn, các doanh nghiệp đều có phương án rất cụ thể, chi li để chống chọi lạm phát, giảm chi tiêu, cố gắng duy trì để vượt qua bão giá. Ông Bùi Đức Huyên, giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín, cho biết trước giá các nguyên liệu như ngô, một số nguyên liệu khác đều tăng 100-300%, doanh nghiệp của ông đã phải tự đi thuê chuồng trại để nuôi tới 3.000 con heo để giảm chi phí đầu vào, bớt được nghịch lý càng sản xuất càng lỗ do không thể tăng giá bán.

   Với biện pháp rất cụ thể mang tính “cái khó ló cái khôn”, ông Mai Huy Tân cho biết, Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt đã chủ động tìm nguồn hàng nhập khẩu xa hơn nhưng rẻ hơn, đồng thời tăng thưởng để rút ngắn thời hạn thanh toán của các đại lý nhằm giảm vay ngân hàng, tập trung sản xuất những mặt hàng có lợi nhuận cao, tạm dừng những mặt hàng lợi nhuận thấp hoặc chưa có thị hiếu tiêu dùng. Bà Trần Thu Huyền- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sơn châu Á cũng có những cách tiết kiệm hết sức cụ thể. Đơn cử để tiết kiệm xăng, thay vì cứ có đơn đặt hàng là tập trung sản xuất như trước đây, nay phải đợi đủ công suất của máy trong một thời gian cụ thể mới khởi động để phát huy 100% công suất, tránh lãng phí xăng dầu. Nhân viên hành chính cũng được cắt giảm mạnh…

   Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN cũng đề nghị Nhà nước những việc cụ thể để giúp DN vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Quang Thuật- Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Foodinco- kiến nghị, các chính sách của Nhà nước cần đồng bộ hơn. Chẳng hạn, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua rất khó hiểu. Khi công bố lãi suất cho vay là 18%/năm thì lại gợi ý cho ngân hàng tự tính các chi phí khác. Khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định đủ khả năng điều hành tỉ giá, giữ chênh lệch không quá ±2% thì ngân hàng thương mại lại vẫn bán được ngoại tệ qua đường ngoại tệ thứ ba, buộc doanh nghiệp phải chịu chênh lệch tỷ giá cao gấp 10 lần qui  định.

   Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp cùng thống nhất kiến nghị xem lại cơ chế phân bổ vốn ODA. Hiện nay vốn ODA hầu như chỉ được rót vào doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân khó tiếp cận. Đây là một nghịch lý cần gỡ bỏ.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, VACD đang chuẩn bị nhiều nội dung khuyến nghị gửi các cơ quan Chính phủ, nhằm hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn sóng gió, góp phần kiềm chế lạm phát trước mắt và khắc phục những yếu kém cố hữu trong quản lý KT-XH.  

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn