Hội thảo Hiệu quả Gói giải pháp kích cầu của Chính phủ

Hơn 100 đại biểu là nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước đã đến tham dự Hội thảo Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ. Hội thảo do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức tại Hà Nội ngày 23/7 với sự tài trợ của các doanh nghiệp Hội viên VACD: Ngân hàng TMCP Quân đội, Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng (GEAT).

Theo đánh giá của Hội thảo, việc Chính phủ đã thực hiện gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD và đưa ra gói kích cầu thứ 2 trị giá 8 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn suy thoái, sản xuất và kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn là rất cần thiết. Các chính sách điều hành vĩ mô và các gói giải pháp kích cầu đã tác động tích cực đến toàn nền kinh tế và đến hoạt động của các doanh nghiệp. Gói kích cầu thứ nhất bằng hỗ trợ lãi suất (1 tỷ USD), bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực cho cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tính đến thời điểm ngày 16/7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt trên 377.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Việc tiến hành gói kích cầu thứ 2 trị giá 8 tỷ USD cần thận trọng, kiềm chế và có kiểm soát… để tránh nguy cơ lạm phát vào cuối năm.

GS, TSKH. Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) nhận định gói kích cầu đã có mặt tích cực được thể hiện bằng sự khởi sắc trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Sự khởi sắc này đánh giá dựa trên các chỉ số tăng trưởng GDP, phát triển công nghiệp, viễn thông và giá trị bán lẻ, tình hình thực hiện vốn FDI, mức thu ODA cùng vốn đầu tư tư nhân trong nước.Nhưng trong giai đoạn này cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn trong ngành Ngoại thương, Vận tải hàng hoá, Đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh đó là các khó khăn trong cân đối vĩ mô như thu ngân sách chưa hiệu quả, giá tiêu dùng CPI cao;  an sinh xã hội khó khăn. Ông Thái cho biết: Cân đối vĩ mô thực sự đáng quan tâm và cảm thấy lo lắng khi số tiền kích cầu thì chi gần hết nhưng liệu có về đúng địa chỉ. Ông cho rằng, nếu không quản lý chắc tay thì dễ xảy ra tái lạm phát. Đặc biệt là khi sử dụng gói kích cầu 2. Cũng về nguy cơ tái lạm phát, Ts.Nguyễn Đức Thuận (Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư Công nghiệp Quốc phòng) cho biết, nhiều nhà kinh tế thế giới cảnh báo lạm phát là rõ ràng. Theo ông, Chính phủ cần cẩn thận với việc dùng đồng tiền. Nếu dư nợ tín dụng thì nó sẽ pha loãng đồng tiền. Đối với DN, ông cho rằng DN cần phải tự cứu mình, phải căn cứ vào hoàn cảnh của mình để linh hoạt điều chỉnh và đưa ra chiến lược tìm con đường đi phù hợp cho mình, DN cũng không chỉ chú ý đến nội lực mà là tổng lực bao gồm nội lực và ngoại lực.

Ông Nick Freeman (Chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á) nhận định, không nên kéo dài gói kích cầu. Ông cho rằng vấn đề đặt ra là cần xác định thời gian cho gói kích cầu, nên xác định thời điểm để dừng gói kích cầu nhưng vẫn duy trì một số chính sách dài hạn có trong gói kích cầu như chính sách bảo lãnh tín dụng DNNVV (áp dụng cho các Ngân hàng Nhà nước VN). Ông cho biết: Kích cầu trong thời gian ngắn có nhiều rủi ro không mong muốn và không dễ dàng xác định được hiệu quả thực sự của gói kích cầu. Nếu nhìn vào số lượng của Quý 2 thí số liệu gần như chạm đáy, thậm chí qua đáy, tuy nhiên sự phục hồi kinh tế không phát triển theo hình chữ V mà nó phải có một thời gian. Ông Nick khẳng định: Nền kinh tế VN đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng để thực sự vượt qua khủng hoảng không phải là dễ dàng.

TS.Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) lại đặt ra hàng loạt các vấn đề chi tiết cần giải đáp về gói kích cầu. Đó là những con số từ đâu ra? Dựa vào đâu? Đã đến đâu? Thời gian giải ngân? Ông Thành cho rằng nên giải quyết thâm hụt kép bằng cách vay vốn nước ngoài nhưng nên thận trọng. Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu và phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội) chỉ ra các nguyên tắc cho gói kích cầu bao gồm: Sự đồng bộ khi thực hiện kích cầu; Cần chú ý đến tính cực đoan và tính hai mặt; Chống tham nhũng;  Thực hiện nguyên tắc thị trường là bảo đảm lòng tin; Đảm bảo nguyên tắc thanh toán để tránh sự đổ vỡ của dây chuyền.

Về phía Ngân hàng, hai đại diện là bà Cao Thị Thúy Nga (Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội) và ông Hoàng Anh Tuấn (Ủy viên HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN) đã thông báo trước hội thảo tình hình triển khai và thực hiện giải ngân vốn vay của gói kích cầu một cách nhanh chóng và hiệu quả đến từng DN. Bà Nga cũng khẳng định hiệu quả tích cực của gói kích cầu và cho biết ngân hàng luôn sẵn sàng cấp vốn cho các DN đủ điều kiện vay vốn nhưng cũng phải thận trọng trong quá trình xét duyệt cho vay để vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc quản trị rủi ro hoạt động thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN. Về việc giải ngân vốn hỗ trợ, ông Hoàng Anh Tuấn đã nêu lên các khó khăn, như: mức hỗ trợ lãi suất còn thấp so với nhu cầu vay vốn; người vay vốn để mua máy móc do cá nhân tự sáng chế hoặc máy nhập ngoại không tiếp cận được gói kích cầu; các DN nhập cá đông lạnh về chế biến không được vay vốn hỗ trợ lãi suất; mức hỗ trợ 7 triệu/ha cho nông dân trông cà phê, tiêu, điều là quá thấp nên nông dân khó tiếp cận với gói kích cầu. Đồng thời, ông Tuấn kiến nghị: yêu cầu Chính phủ ban hành cụ thể các danh mục ngành nghề, đối tượng được hỗ trợ lãi suất để các NHTM thuận tiện trong việc tổ chức thực hiện; xem xét nâng mức cho vay hỗ trợ lãi suất để mua vật liệu xây dựng làm nhà ở từ mức 50 triệu lên 100 triệu đồng; nâng mức cho vay hỗ trợ lãi suất phù hợp với chi phí đầu tư cho từng loại cây trồng; NHNN cần có chính sách động viên đối với các NHTM trong quá trình thực hiện cho vay hỗ trợ; Chính phủ cần theo dõi để quyết định thời điểm dừng chính sách hỗ trợ lãi suất phòng ngừa tái lạm phát diễn ra vào những tháng cuối năm; tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra các khoản cho vay hỗ trợ lãi suất để thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ.

Về phía Doanh nghiệp, các đại điện DN đã thông báo kết quả sử dụng vốn vay của DN khẳng định: nguồn vốn hỗ trợ là cần thiết, được sử dụng nhanh chóng kịp thời và hiệu quả. Hai vấn đề DN quan tâm nhất trong gói kích cầu là khả năng vay vốn và lãi suất. Về việc vay vốn, chỉ DN nào có tài sản thế chấp, được bảo lãnh mới được vay vốn từ gói hỗ trợ. Chính vì thế, trên thực tế nhiều DN cần vốn nhưng không đủ tiêu chuẩn nên không được tiếp cận với vốn hỗ trợ. Về lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng cần có mức lãi suất hợp lý. Ngoài ra, các DN đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Chính phủ, NHNN về vốn hỗ trợ:

1. Trên cơ sở chủ trương của Chính phủ và của NHNN đã có, đề nghị NHNN có cơ chế cho các NHTM thống nhất đưa về mức lãi suất mới và hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các hợp đồng vay vốn trước ngày 01/02/2009 nhưng chưa đến hạn trả, đồng thời truy hoàn khoản lãi vay VNĐ đã trả cho ngân hàng trên mức 6,5%/năm (10,5% – 4%) kể từ tháng 2/2009 đến nay của những hợp đồng này để tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp.

2. Hỗ trợ cho doanh nghiệp 50% tổng lãi vay phải trả ngân hàng 6 tháng cuối năm 2008 hoặc cho cơ chế hỗ trợ bằng cách 6 tháng cuối năm 2008 doanh nghiệp nào vay trên mức 10,5%/năm thì Nhà nước cấp bù lãi suất cho NHTM để NHTM “trả lại” DN, tạo cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất và thực sự tháo gỡ cho những doanh nghiệp khó khăn do phải chịu lãi vay cao thời kỳ lạm phát và ảnh hưởng suy thoái kinh tế từ cuối năm 2008.

3. Tình hình kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn nên thời gian cần thiết để kinh tế thế giới phục hồi có thể phải mất nhiều năm nữa. Vì vậy Chính phủ cần tập trung gói kích cầu vào những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tốt, kinh doanh có hiệu quả để những doanh nghiệp này có thể là trụ đỡ cho các doanh nghiệp còn yếu kém thậm trí có thể sẵn sàng thu nhận những nguồn lực còn lại của các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, bị phá sản.

4. Thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng nhằm sớm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời việc cho vay vào các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, dẫn tới nguy cơ gia tăng nợ xấu cho ngân hàng.

5. Thực hiện kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà thầu thi công và các chủ đầu tư nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện gói kích cầu cũng như việc không chấp hành các quy định của Chính phủ về quản lý kinh tế của những doanh nghiệp này.

6. Mở rộng thị trường nội địa, kịp thời khuyến khích động viên những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng nội địa thay thế cho hàng ngoại nhập.

7. Ngành lương thực nên được giảm thuế VAT vì các DN này không được miễn giảm thuế VAT đầu vào.

8. Dự án tạo được công ăn việc làm được đưa ra là tiêu chí quan trọng nhất được xem xét là 1 trong những tiêu chí cho vay kích cầu.

Qua Hội thảo, bằng các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và quốc tế, các ngân hàng, các nhà quản trị doanh nghiệp đã chia sẻ những nhận định, đánh giá của mình về diễn biến của nền kinh tế 6 tháng qua và xu thế thời gian tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc hỗ trợ lãi suất từ phía những người thực hiện (ngân hàng) và người thụ hưởng (doanh nghiệp), cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra và nêu ra những khuyến nghị trong quản trị đối với các doanh nghiệp và đối với các cơ quan chính phủ.

Với thông điệp: Để nền kinh tế nước ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và chuẩn bị cho thời cơ mới khi kinh tế thế giới phục hồi đang phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chính sách nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp, VACD sẽ tổng hợp nội dung và có bản khuyến nghị trình lên Chính phủ.

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn