Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp

Đó là tên cuộc Hội thảo vừa được Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) phối hợp cùng Tạp chí Nhà Quản lý tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua- 24/7/2008. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu, là các nhà quản trị doanh nghiệp, các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và đại diện một số cơ quan quản lý Nhà nước. Hội thảo được sự tài trợ của các doanh nghiệp Hội viên VACD: Ngân hàng TMCP Quân đội, Tcty Xăng dầu Việt Nam, Cty CP Sơn Châu Á, Cty Vật tư công nghiệp quốc phòng, Tcty CP Đầu tư và XNK FOODINCO, Cty CP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM, Cty CP Niên giám điện thoại và trang vàng I VN.

Lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các khía cạnh của  đời sống kinh tế, xã hội. Mưu sinh hàng ngày đang trở nên hết sức khó khăn, giá cả đầu vào cho sản xuất liên tục tăng đột biến, nguy cơ thất nghiệp, phá sản đang hiển hiện. Hơn ai hết, các nhà quản trị doanh nghiệp là những người cảm nhận một cách trực tiếp và sâu sắc nhất những tác động của tình trạng này. Nỗi lo lắng của các nhà quản trị doanh nghiệp là nỗi lo lắng cụ thể, mất, còn, đo đếm được, lo lắng không chỉ cho bản thân mình và sản nghiệp của mình mà còn cho số phận của cả cộng đồng xung quanh mình. Câu hỏi đang đặt ra đêm ngày cho mỗi nhà quản trị: Phải làm gì và làm như thế nào để vượt qua giai đoạn khắc nghiệt này?

Bà Cao Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội chia sẻ, để ứng phó với lạm phát, đơn vị đã thành lập một tổ công tác phản ứng nhanh theo dõi mọi nhất cử nhất động của kinh tế thế giới và trong nước để có thể xoay chuyển linh hoạt mọi tình thế. “Một năm trước đây, đã có rất nhiều thông tin rõ ràng về việc các ngân hàng Mỹ lỗ nặng do chính sách cho vay mua nhà dưới tiêu chuẩn.


Nhưng nhiều cơ quan quản lý đã không có những biện pháp mạnh tay, kịp thời đối với việc cho vay bất động sản tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu nhưng ồ ạt tăng tín dụng cho vay mua nhà với kỳ hạn dài lên tới 20 năm, hạ thấp các tiêu chuẩn và điều kiện cho vay để tăng nhanh tín dụng. Đó là một nguyên nhân của lạm phát”, bà Nga phân tích. Chính vì vậy, cách để ngân hàng này vượt qua lạm phát là kiên trì mục tiêu phát triển ổn định không tăng nóng, có sự chuẩn bị kỹ về nội lực; đồng thời có chính sách khách hàng tốt để “đón” các khách hàng uy tín.

Bằng thực tiễn của đơn vị mình, ông Mai Huy Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Đức Việt cũng cho biết, nguyên liệu sản xuất chính của công ty (thịt heo) giữ giá cao liên tục từ 40.000-46.000 đồng/kg heo hơi siêu nạc; cộng với tỷ giá ngoại tệ cao khiến công ty “điêu đứng”.


Thậm chí có ý kiến bàn công ty nên dừng sản xuất chờ qua cơn khó khăn. Nhưng công ty đã nhập khẩu nguyên liệu, thay thế nguồn nguyên liệu trong nước để có giá rẻ hơn. Trong quản lý sản xuất, Đức Việt áp dụng các phương pháp quản lý phù hợp để tiết kiệm, giảm tiêu hao nhờ hợp lý hóa sản xuất, tăng tỷ lệ thu hồi nhờ cải tiến công nghệ, qua đó giảm bớt được sự gia tăng chi phí sản xuất, ngoài ra còn là chính sách điều chỉnh giá linh hoạt, tăng tỷ lệ chiết khấu và thưởng để rút ngắn thời hạn thanh toán từ các nhà phân phối và đại lý để đẩy nhanh quay vòng vốn lưu động của DN, giảm mức độ lệ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, tạm dừng dự án đầu tư mới …Nhờ vậy mà Đức Việt vẫn vững vàng đứng trước cơn sóng gió…

Ông Bùi Đức Huyên, Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín (Hà Nội)  khẳng định, lạm phát cũng chính là cơ hội để DN bứt phá. Thành lập tháng 11-2003 với số vốn ban đầu chỉ 500 triệu đồng, Việt Tín èo uột bơi ra thương trường bằng con đường chế biến thức ăn gia súc với công nghệ thô sơ, chính vì vậy mà càng ngày doanh số bán hàng càng sụt giảm: từ 1,2 tỷ đồng tháng 12-2005 còn 400 triệu đồng tháng 1-2008.


Nhưng 6 tháng đầu năm 2008, trong khi giá nguyên liệu tăng 50%-100%, thậm chí 300% (bắp, đậu tương, DCP…), nhiều DN khác thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc ngừng sản xuất, thì Việt Tín tranh thủ lấp chỗ trống đó bằng cách thiết lập một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, năng động, đặt trọng tâm vào khách hàng. Hệ thống phân phối tăng từ vài chục lên trên 100 đại lý. Nhân sự tăng từ 18 người lên 104 người. Những hạng mục chưa sinh lời được dừng lại.  Chỉ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến thức ăn gia súc trị giá 16 tỷ đồng thay vì 60 tỷ đồng. Kết quả, chỉ trong 4 tháng, doanh thu bán hàng của công ty tăng từ 400 triệu đồng/tháng lên 10 tỷ đồng/tháng. Chính bởi sự  bứt phá ngoạn mục ngay trong thời điểm lạm phát với cái cách áp dụng “Cái khó ló cái khôn”, Việt Tín đã thắng.

Từ thực tiễn “sinh tử” của mình, các DN đã có nhiều khuyến nghị cụ thể đối với điều hành của Chính phủ trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Ông Mai Huy Tân cho rằng, việc đình hoãn các dự án đầu tư công cần xuất phát từ chính cộng đồng DN, đặc biệt là từ các DN nhà nước chứ không phải là mệnh lệnh dội từ trên xuống. Các nguồn vốn đầu tư từ nhà nước, kể cả ODA phải được phân bổ hợp lý cho các dự án có hiệu quả kinh tế, không phân biệt là thành phần kinh tế nào vì càng sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, lạm phát càng giảm.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Đức Thuận, Tổng giám đốc Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng cũng kiến nghị, phải có một cơ quan tương đương cấp Bộ để giúp Chính phủ kiểm soát và chỉ đạo các tập đoàn, TCT Nhà nước trong đầu tư của họ, nhất là đối với lĩnh vực độc quyền như than, dầu khí, điện lực. “Không ở đâu như Việt Nam, tập đoàn nào cũng có ngân hàng. Họ khai thác tài nguyên quốc gia, nắm giữ nguồn lực, tài nguyên, khoáng sản quan trọng nhất của quốc gia, lẽ ra phải lao vào cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì lại chỉ tập trung vào việc thu lợi nhuận tại thị trường nội địa bằng cách tự định giá; hoặc tiến vào thị trường bất động sản, tài chính”, ông Thuận nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, đầu tư công quá mở rộng trong năm 2007 là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát. “Tôi cho rằng, thâm hụt cán cân thương mại chính làhệ quả của thâm hụt giữa đầu tư và tiết kiệm, có nghĩa là chúng ta đầu tư quá nhiều so với tiết kiệm có được. Trong thời gian dài chúng ta đã đầu tư quá mức so với tiết kiệm nội địa của chúng ta có, dẫn đến thâm hụt” -ông Cung phân tích.

Ông Cung cũng khẳng định: “Cắt giảm đầu tư công là biện pháp quyết định chống lạm phát trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nhìn lại giải pháp này có thể thấy chúng ta chưa làm theo nghĩa cắt giảm vốn, đầu tư 100 tỷ đồng, cắt giảm 20 tỷ xuống còn 80 tỷ chứ không phải là cắt giảm dự án. Cắt giảm dự án và cắt giảm vốn không đồng nhất với nhau. Cắt giảm đầu tư để kiềm chế lạm phát là giảm tổng cầu bằng.

 việc giảm giá trị vốn đầu tư chứ không phải giảm dự án đầu tư. Tôi cho rằng, tại thời điểm này chúng ta cần làm cả 2 việc cắt giảm vốn và bố trí lại số vốn cắt giảm”.

Bà Trần Thu Huyền, Tổng giám đốc công ty CP Sơn Châu Á rầu rĩ nói, mới cách đây ba tuần, một quan chức còn tuyên bố sẽ không tăng giá xăng, dầu, điện, than cho tới hết năm 2008, để giữ ổn định thị trường. Tin vậy, bà Huyền yên tâm lên kế hoạch xây dựng chính sách giá bán sản phẩm của công ty đến hết năm 2008. Nhưng đùng một cái, giá xăng dầu tăng vọt hơn 30% khiến mọi toan tính của bà đổ bể. Giờ đây một doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ như Sơn Châu Á lại phải ngồi tính toán lại theo mặt bằng giá mới, và kéo theo hàng loạt vấn đề phải làm lại từ đầu’.

“Chúng tôi phấp phỏng lo ngại về những chính sách không nhất quán, những dự báo từ các cơ quan chức năng không chính xác. Có những nghị định, thông tư, nghị quyết vừa đến tay doanh nghiệp chưa ấm chỗ thì đã có văn bản khác thay đổi tới 50-70% nội dung, thậm chí trái ngược văn bản trước”.

 Theo bà Huyền những doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại trong thời điểm hiện nay, cần sớm lên kế hoạch thoát khỏi sự lệ thuộc ngân hàng, thay vào đó là vận dụng tối đa các quan hệ đối tác lâu năm để ủng hộ và hợp tác trong từng tình huống. Về cơ bản, doanh nghiệp tư nhân rất cần một môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp Nhà nước, một hành lang pháp lý ổn định hơn và những quy định nhất quán trong điều hành kinh tế từ Nhà nước”.

Đặc biệt, theo ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát hiện nay, lòng tin cần được coi là một giải pháp quan trọng để phát huy hiệu quả điều hành của Chính phủ…

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận và hàng trăm trang tài liệu hết sức tâm huyết mà các nhà quản trị doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp cho Hội thảo, VACD sẽ khuyến nghị một số biện pháp từ góc độ quản trị và quản trị doanh nghiệp đến các cơ quan Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sóng gió này.

kiềm chế lạm phát trước mắt và để góp phần khắc phục những yếu kém nghiêm trọng cố hữu của quản lý kinh tế –  xã hội.

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn