Sửa Luật Doanh nghiệp nhằm khuyến khích nhà đầu tư

Chiều 18/4/2014, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) đã tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp cũng như những người trực tiếp soạn thảo Luật.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một thành viên của ban soạn thảo, mục tiêu tổng quát nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các mục tiêu cụ thể là tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai là tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Thứ ba là bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp. Thứ tư là tạo thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường. Cuối cùng là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật mới cũng sẽ thể chế hóa vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn như việc quản trị doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, quy định hành lang pháp lý cho doanh nghiệp xã hội.

Về cơ bản, giữ lại kết cấu của Luật Doanh nghiệp gồm 9 chương, 222 điều. Luật mới có thêm Chương IV: DNNN, tăng 42 điều mới, có 132/172 điều được sửa đổi, bổ sung và 39 điều được giữ nguyên, bãi bỏ 5 điều.

Thuận lợi hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Theo ông Hiếu, Luật mới sẽ áp dụng thống nhất các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Luật mới cũng áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN cho mọi loại hình doanh nghiệp. Bổ sung quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.

Tăng quyền tự quyết cho ĐHĐCĐ

Về mô hình tổ chức quản trị, bổ sung thêm mô hình quản trị đơn hội đồng đối với công ty cổ phần để phù hợp với thực tiễn tốt của quốc tế và tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư.

Luật Doanh nghiệp mới cũng giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định ĐHĐCĐ/Hội đồng thành viên xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt”.

Ngoài ra, Luật mới mở rộng nội dung cho phép công ty quy định nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cụ thể hơn, chi tiết hơn so với Luật Doanh nghiệp 2005 hoặc chỉ áp dụng quy định của luật nếu điều lệ không có quy định khác: bầu dồn phiếu, cách thức biểu quyết, linh hoạt hơn trong quy định trình tự, thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ/HĐTV trong trường hợp cuộc họp lần 1 không đủ điều kiện họp.

Một điểm đáng chú ý là Luật mới sẽ thừa nhận giá trị pháp lý của cuộc họp ĐHĐCĐ/Hội đồng thành viên dưới hình thức hội nghị trực tuyến hoặc phương tiện thông tin tương tự khác.

Bảo vệ cổ đông tốt hơn

Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ quy định chi tiết hơn về nghĩa vụ (bổn phận) người quản lý công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông theo dõi, giám sát và khởi kiện người quản lý khi cần thiết. Trong đó, tăng cường yêu cầu công khai hóa thông tin kịp thời và đầy đủ đối với công ty cổ phần để tương thích với thông lệ quốc tế tốt, như: điều lệ doanh nghiệp, danh sách thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc, thành viên ban kiểm soát, cổ đông nước ngoài đối với công ty cổ phần.

Liên quan đến vấn để tổ chức lại, giải thể Doanh nghiệp, Luật mới đã có những quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn: Người đồng hành