Tổng hợp các chính sách, quy định mới có hiệu lực từ tháng 03/2023

Các chính sách có hiệu lực từ tháng 3/2023 cụ thể như sau: Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ và Thông tin – truyền thông; Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại;…

Những vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) tại địa phương

Thông tư 20/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.

Thông tư nêu rõ, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương bao gồm:

  • Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ:

+ Tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
+ Tiếp nhận, xử lý hồ sơ thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
+ Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

  • Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ:

+ Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư theo quy định pháp luật;
+ Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.

  • Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân:

+ Quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;
+ Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X- quang chẩn đoán trong y tế.

  • Hoạt động sở hữu trí tuệ

Thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật.

  • Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng:

+ Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định;
+ Thẩm định cấp giấy xác nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân; Thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia của tổ chức, doanh nghiệp bước Hội đồng sơ tuyển.

  • Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ.
  • Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.

Thông tư nêu rõ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc nêu trên là từ đủ 02 năm đến 05 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thông tư 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ ngày 17/03/2023, quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại chính quyền địa phương.

Thông tư quy định, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 4 của Thông tư này là từ đủ 03 năm (36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương bao gồm:

Tiêu chuẩn đối với chấp hành viên trong quân đội.

Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chức danh cán bộ ngành thi hành án quân đội. Theo quy định tại thông tư này, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.

Cụ thể, chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5, Điều 18, Luật Thi hành án dân sự và Điều 4, Thông tư 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5, Điều 18, Luật Thi hành án dân sự và Điều 4, Thông tư 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5, Điều 18, Luật Thi hành án dân sự và Điều 4, Thông tư 10/2023/TT-BQP; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, hoặc cao cấp lý luận chính trị – hành chính, hoặc cử nhân chính trị, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản.

Ngày 23/12/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP).

Thông tư quy định, hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ quy định hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023.

Hướng dẫn mới về quản lý tài chính đối với VCCI.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BTC ngày 8/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thông tư số 10/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về “Thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước” (Điều 20) như sau:

Việc thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với VCCI thực hiện theo hình thức rút dự toán, Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi. Mã đơn vị quan hệ ngân sách cấp cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan (UBĐL) theo quy định tại Thông tư số 185/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký, cấp và sử dụng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.

Cơ quan VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và UBĐL thực hiện thủ tục mở tài khoản, đăng ký mẫu dấu chữ ký tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 18/2020/TT-BTC.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/3/2023.

Mức phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường giao động từ 6 đến 61 triệu đồng.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BTC ngày 2/2/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.

Theo đó, người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.

Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023.

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau: Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng. Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Thông tư nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.

Bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023 và thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.

Luật mới đã bổ sung thêm loạt dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử có thể kể đến như:

– Trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung dấu hiệu:

Người không cư trú thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại

Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

– Trong lĩnh vực trung gian thanh toán, quy định các dấu hiệu gồm:

Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không.

Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường.

Các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP…

Nguồn: – Cổng thông tin điện tử Chính phủ
– Trang thông tin điện tử tổng hợp 4h
– Trang thông ti điện tử tổng hợp SOHA
– Tạp chí kinh tế Việt Nam (VnEconomy)