Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp

Hanoinet – Hội thảo diễn ra ngày 24/7, tại Hà Nội do Hiệp hội quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức. Tham dự hội thảo là các nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế, các tổng giám đốc các doanh nghiệp nhỏ và vừa và những nhà nghiên cứu đến từ các viện, trường kinh tế.

Đây là khẳng định của nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, các đại biểu đề cập khá nhiều về vấn đề đầu tư công và việc tiếp cận với các nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp khẳng định rằng, tình trạng lạm phát hiện nay có những nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đây là thời điểm những yếu kém tích luỹ nhiều năm trong công tác quản lý ở cấp vĩ mô và vi mô bộc lộ ngày càng rõ nét.

Ông Tiến đưa ra so sánh, cùng phải chịu ảnh hưởng về giá cả thế giới như nhau nhưng các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Trung Quốc… có mức độ lạm phát thấp hơn Việt Nam rất nhiều. Điều này khiến chúng ta phải xem xét lại cách quản lý, điều hành nền kinh tế.

Cần bình đẳng trong tiếp cận vốn giữa hai khu vực kinh tế

Đề cập những khó khăn của các DNNVV trong tình hình hiện nay, ông Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty Đức Việt cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế hướng các nguồn viện trợ phát triển nước ngoài vào khu vực tư nhân. Điều này sẽ tạo sự bình đẳng và tăng trưởng hiệu quả đồng vốn. Bởi các doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm, bảo đảm khả năng trả nợ hơn các doanh nghiệp Nhà nước.

Thực tế, các DNNVV rất khó tiếp cận với các luồng vốn. Bởi lẽ, DNNVV không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, trình độ quản lý còn thấp kèm, chưa có thương hiệu nên khó có thể tham gia vào sân chơi chung.

Để kiềm chế lạm phát, nếu chỉ dồn vào chính sách tiền tệ thì không những không có hiệu quả cao mà còn đẩy gánh nặng lên vai các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Chính phủ đã nói là chống lạm phát phải đồng bộ. Chính sách tài chính tiền tệ lúc này đòi hỏi một nghệ thuật điều hành giữa các Bộ, ngành và chính sách đầu tư công – TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nói.

Cắt giảm vốn và bố trí lại số vốn cắt giảm

Ông Nguyễn Đình Cung – Trưởng Ban Vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tư công năm 2007 là nguyên nhân trực tiếp đẩy lạm phát cao hơn hẳn. “Tôi cho rằng, thâm hụt cán cân thương mại chính làhệ quả của thâm hụt giữa đầu tư và tiết kiệm, có nghĩa là chúng ta đầu tư quá nhiều so với tiết kiệm có được. Trong thời gian dài chúng ta đã đầu tư quá mức so với tiết kiệm nội địa của chúng ta có, dẫn đến thâm hụt” -ông Cung phân tích.

Ông Cung cũng khẳng định: “Cắt giảm đầu tư công là biện pháp quyết định chống lạm phát trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nhìn lại giải pháp này có thể thấy chúng ta chưa làm theo nghĩa cắt giảm vốn, đầu tư 100 tỷ đồng, cắt giảm 20 tỷ xuống còn 80 tỷ chứ không phải là cắt giảm dự án. Cắt giảm dự án và cắt giảm vốn không đồng nhất với nhau. Cắt giảm đầu tư để kiềm chế lạm phát là giảm tổng cầu bằng việc giảm giá trị vốn đầu tư chứ không phải giảm dự án đầu tư. Tôi cho rằng, tại thời điểm này chúng ta cần làm cả 2 việc cắt giảm vốn và bố trí lại số vốn cắt giảm”./

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn