Tọa đàm các nhà quản trị doanh nghiệp “Bài học kinh nghiệm và giải pháp từ khủng hoảng”

Ngày 21/10/2009, tại Tp.HCM đã diễn ra Tọa đàm các nhà quản trị doanh nghiệp: Bài học kinh nghiệm và giải pháp từ khủng hoảng do Hội các nhà quản trị Việt Nam (VACD) và Tạp chí Nhà quản lý tổ chức với sự tài trợ của công ty CP đầu tư và phát triển ngoại thương Tp.HCM (FIDECO), công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, Anoasis Resort và nhiều nhà tài trợ khác. Tọa đàm thu hút khoảng 150 người là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT,  tổng giám đốc,  giám đốc, đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM và một số tỉnh lân cận.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của các nhà quản trị, các chuyên gia kinh tế như Ông Hàn Mạnh Tiến – TBT Tạp chí Nhà quản lý, Chủ tịch Hội các nhà quản trị VN; Tiến sĩ Trần Hữu Chinh – CT HĐQT kiêm TGĐ công ty FIDECO, Phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị VN; Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – chuyên gia phân tích tài chính – chứng khoán; Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm – Giám đốc công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win Win, bà Isabel Dung – Phó Tổng giám đốc Anoasis Resort…


Mục đích của Tọa đàm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp thiết thực trong việc ứng phó với những tác động khủng hoảng kinh tế và chủ động vượt qua để duy trì và phát triển một cách bền vững. Các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp đối với từng vấn đề của doanh nghiệp: tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi chiến lược bán hàng – marketing, lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả, chính sách thu hút người giỏi…


Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – chuyên gia phân tích tài chính – chứng khoán nhận định: Khủng hoảng kinh tế thế giới với đỉnh điểm bùng nổ vào tháng 9/2008 từ sự sụp đổ của các Tổ  chức Tài chính lớn kéo theo sự suy thoái kinh tế  toàn cầu khiến Chính phủ các nước phát triển phải can thiệp với những gói kích cầu tài chính khổng lồ. Tỷ lệ thất nghiệp cao, tiêu dùng và sản xuất công nghiệp sụt giảm tạo nên bức tranh ảm đạm nhất kể từ cuộc suy thoái 1929 – 1930.

Việt Nam với độ mở rất lớn của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề về sụt giảm xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài tạo rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vấn đề quan trọng không chỉ nằm trong việc chống đỡ khó khăn của cuộc suy thoái, mà ở chỗ các doanh nghiệp VN có khả năng tận dụng sự phục hồi kinh tế thế giới hậu khủng hoảng để tăng tốc hay không. Nhiều nhận định cho thấy khủng hoảng toàn cầu chỉ góp phần làm rõ các khuyết tật của nền kinh tế trong nhiều năm phát triển theo chiều rộng, sử dụng nhiều lao động, tài nguyên để tăng trưởng mà đỉnh điểm của nó là năm 2007. Vì vậy nền kinh tế VN cần phải cấu trúc lại theo hướng đi vào chiều sâu, sử dụng tốt nguồn tài nguyên, tăng giá trị sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường nội địa để phát triển bền vững. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục SXKD theo xu hướng cũ, đầu tư mở rộng theo hướng thâm dụng vốn và sử dụng nhiều nguyên liệu thì sẽ khó có khả năng cạnh tranh và hưởng được cơ hội của sự tăng trưởng kinh tế thế giới.


Theo ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win Win, suy thoái là thời điểm thích hợp để nhìn lại mình. Cuộc khủng hoảng cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức cho “sức khỏe” của mình và mắc nhiều “căn bệnh”. Những “căn bệnh” phổ biến nhất, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của DN nhiều nhất là: Thứ nhất, DN hay có thói quen “làm việc tới đâu, xả rác tới đó”. Khi DN phát triển lên một quy mô nhất định nào đó, chính những “đống rác” này kìm hãm sự phát triển và còn phải tốn thêm chi phí “đổ rác”. Một số DN chưa xây dựng chiến lược phát triển đúng cho mình, nên gặp rất nhiều khó khăn khi suy thoái kinh tế xảy ra. Một số đã xây dựng định hướng phát triển đúng, nhưng kế hoạch thực hiện chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chưa có sự hỗ trợ tích cực giữa các bộ phận, nhất là chỉ tập trung xây dựng quy trình kiểm soát mà chưa tập trung vào hệ thống kiểm soát và cơ cấu trách nhiệm. Muốn “chữa trị” hiệu quả, phải tìm ra nguyên nhân đích thực. Do đó, doanh nghiệp nên ưu tiên cho việc xây dựng chiến lược ở trạng thái động, đưa ra nhiều kịch bản, mô hình quản lý hướng về thị trường, hệ thống thông tin thông suốt từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất và ngược lại.


Còn Tiến sĩ Trần Hữu Chinh – CT HĐQT kiêm TGĐ công ty FIDECO, Phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị VN chia sẻ: Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều công ty thành viên, bên cạnh cơ chế phân cấp, giao quyền chủ động quản lý điều hành cho các công ty thành viên, thì sự chủ động, sáng tạo của giám đốc điều hành có yếu tố tiên quyết đến sự thành bại của đơn vị thành viên. Ở nơi nào, giám đốc có năng lực chuyên môn, trình độ quản lý tốt, chủ động trong việc vạch ra kế hoạch và đề xuất triển khai thực hiện, chủ động xử lý những vấn đề phát sinh một cách kịp thời trong quyền hạn cho phép,… thì doanh nghiệp đó nắm chắc thành công, làm ăn hiệu quả. Còn ngược lại, sự thụ động của người quản lý, chờ đợi từ công ty mẹ, từ hội đồng quản trị, thì khả năng phát triển yếu ớt, thiếu sức sống, đánh mất cơ hội… Đối với Fideco, vấn đề nhân sự điều hành trong mạng lưới là vấn đề rất bức thiết trong nhiều năm qua, vì vậy bên cạnh những ngành nghề kinh doanh chính, mảng dịch vụ đào tạo quản trị doanh nghiệp cũng rất được Ban giám đốc quan tâm, vừa phục vụ cho nhu cầu của xã hội, vừa góp phần bổ sung vào đội ngũ quản lý kế cận, còn nhiều khoảng trống, trong tình hình Fideco đang phát triển nhanh và lan rộng như hiện nay.


Ông Lê Văn Sơn (Sonny Son) – Tổng Giám đốc Anoasis Resort cho rằng: Cơ hội  kinh doanh thuận lợi không phải tự nhiên đến, mà từ việc nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bài bản, kiên trì, lâu dài. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, nếu có được thương hiệu tốt, doanh nghiệp sẽ dễ dàng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có cơ hội kinh doanh tốt hơn. Trong công tác quản lý điều hành khu resort cao cấp Anoasis này chẳng hạn, ngoài việc chăm chút để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt và ngày càng hoàn thiện, chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ kinh doanh như các hoạt động cộng đồng, từ thiện xã hội và sự hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí. Chính sự hợp tác tốt đẹp và lâu dài này, tình hình kinh doanh của Anoasis resort rất ổn định và phát triển, nhiều cơ hội kinh doanh tốt đến với mình. Với nhận thức như vậy, nên chúng tôi luôn quan tâm đến các sự kiện xã hội, nhiệt tình tham gia ủng hộ và tận dụng cơ hội đến từ chính các hoạt động này, đưa thương hiệu Anoasis đến với khách hàng tiềm năng ngày một nhiều. Trong tình hình suy thoái kinh tế, du lịch là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề, nhưng Anoasis vẫn đạt được mức tăng trưởng doanh số 138% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn