Khó hội nhập nếu cứ diễn dịch luật bất lợi cho doanh nghiệp

Việt Nam đang là tâm điểm hấp dẫn nhất trong khối Asean đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn bị đối xử kiểu “con đẻ, con nuôi”.

Cần giảm “độ vênh” giữa chính sách và thực tế

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, tổng số lượng dự án đầu tư lên tới 1.700 dự án, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo số liệu thống kê của công ty Nomura Holdings, Inc., từ tháng 5/2018 – tháng 8/2019, có 56 dự án lớn từ Trung Quốc đang muốn chuyển dịch vào Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang là tâm điểm hấp dẫn nhất trong khối Asean đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Tại diễn đàn CFO Việt Nam 2019 lần thứ 11 tổ chức tại TP.HCM mới đây, nhiều diễn giả cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đang rất cởi mở, tuy nhiên, vẫn còn “độ vênh” giữa chính sách và thực tế. Mặc dù, Chính phủ và Quốc Hội thường xuyên sửa đổi luật và cập nhật theo tình hình mới của thị trường và phù hợp với các hiệp ước thương mại mà Việt Nam tham gia.

Theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc công ty Tư vấn EY Việt Nam, trong khi Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải tổ để làm sao môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, nhưng đối với các doanh nghiệp trong nước vẫn phải cải thiện nhiều hơn nữa. Thực tế, hải quan hay cơ quan thuế các địa phương khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp lại diễn giải luật định theo hướng “bất lợi” cho doanh nghiệp, gây ra nhiều bức xúc.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, người đã tham gia vào việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho biết, câu chuyện thực tế là luật một nẻo, thực thi luật một đằng khiến cho 3 năm gần đây, các vụ khiếu kiện của doanh nghiệp với các cục thuế địa phương ngày càng dày đặc. Nhiều cơ quan thuế địa phương diễn giải về các khoản như hoàn thuế luôn được hiểu theo nhiều cách và không đồng nhất.

Trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi về bộ Luật Quản lý thuế, Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Đầu tư công… Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Dù hai luật này mới có hiệu lực năm 2014, nhưng 02 năm thực thi đã phải sửa đổi, bổ sung vì nhu cầu thực tế thay đổi quá nhanh.

Do đó, được sửa đổi theo hướng: 

Thứ nhất, Thủ tướng được giao nhiều quyền hơn trong các quyết định về chủ trương đầu tư cho các dự án và các nhà đầu tư. Chẳng hạn, lần đầu tiên có sự hỗ trợ của Nhà nước về tiền mặt cho các dự án quan trọng.

Thứ hai, lần đầu tiên đề xuất Thủ tướng là người có quyền quyết định đối với những dự án lớn mà không cần phải thông qua Quốc Hội, nhưng không vượt quá 50% so với mức cao nhất mà Quốc Hội đã thông qua (Luật Đầu tư công đã quy định những dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua).

Thứ ba, một số dự án theo luật cũ phải trình Thủ tướng Chính phủ (quy mô 5.000 tỷ đồng), nhưng luật mới quy định nếu dự án đáp ứng đủ điều kiện quy định của luật thì không cần phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư.

Cuối cùng, đối với các dự án lớn của Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng trực tiếp phê duyệt đầu tư mà không phải đưa ra Quốc Hội như trước đây. Những đổi mới ở trên là những thuận lợi có thể thu hút được những dự án đầu tư lớn từ nước ngoài.

Về Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo hướng tập trung theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính… tạo sự đồng nhất trong việc đăng ký doanh nghiệp trên cả nước, không có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố.

Đơn cử như việc cho thuê nhà diễn ra rất phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố, nhưng để cho thuê nhà được thì thủ tục tại các địa phương là khác nhau. Chẳng hạn, tại TP.HCM, một cá nhân muốn cho thuê nhà chỉ cần ký hợp đồng với bên thuê và xác nhận công chứng là xong. Tuy nhiên, tại Hà Nội, cá nhân có nhà cho thuê phải đăng ký kinh doanh, lấy mã số thuế… rất phức tạp.

Sẽ đánh thuế thương mại điện tử để công bằng

Vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện này là sự phát triển của công nghệ số. Với cuộc khảo sát của ông Sharath Martin, Tư vấn chính sách khu vực, ACCA Asean ANZ, tại diễn đàn này cho kết quả tới 71% CFO lo lắng về đột phá số, 29% lo lắng về môi trường.

Sự phát triển “vũ bão” của công nghệ thông tin đã cho ra đời vô số các loại hình kinh doanh mới, như: kinh doanh trên mạng, dịch vụ cho thuê phòng airbnb… Chính phủ không kiểm soát được nên không thu thuế được, đây được gọi là kinh tế ngầm. Vậy, Chính phủ sẽ đánh thuế các giao dịch qua mạng như thế nào?

Vừa qua, ngày 13/6/2019, Quốc Hội đã thông qua Luật quản lý Thuế 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử để phù hợp với mô hình kinh tế số đang bùng nổ khó kiểm soát và nhằm đánh thuế thương mại điện tử.

Theo ông Đặng Thế Đức, Luật sư điều hành, công ty Tư vấn luật Indochine, về mặt quản lý kinh tế số, cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam là cần phải có thời gian trải nghiệm sau đó mới luật hoá. Quy định về quản lý thuế cũng vậy. Do đó, cần phải phối hợp giữa các ban ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.

Để quản lý kinh tế số cần phải có dữ liệu lớn (big data). Điều này lý giải tại sao Chính phủ ban hành Luật An ninh mạng. Vì yêu cầu lưu trữ dữ liệu và nội địa hoá dữ liệu đối với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh tại Việt Nam. Dữ liệu này phải được chia sẻ với cơ quan thuế để thu thuế… Lộ trình chuyển đổi kinh tế số cơ bản là như vậy.

Tác giả: Theo Lan AnhNguồn: bizlive.vn