Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2011

TS.Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu phát triển KT – XH Hà Nội. 2011
Bước vào đầu năm 2011, theo Tạp chí Tài chính Toàn cầu (Mỹ), kinh tế thế giới năm 2011 khá bi quan, theo đó: Mỹ, Nhật Bản và hầu hết các nước châu Âu, tiếp tục vùng vẫy trong nợ nần (Bộ Tài chính thông báo nợ công của Mỹ chạm mức trần 14.3 ngàn tỷ USD vào ngày 16/05/2011; hiện các khoản nợ của chính quyền bang và khu vực ở Mỹ chiếm 22% GDP cả nước. Cựu thị trưởng Los Angeles, Richard Riordan, cảnh báo 90% các bang và thành phố ở Mỹ có thể phá sản trong 5 năm tới. Bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/5/2011 bắt đầu tiến hành cuộc họp để bàn về khả năng cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ tài chính thứ hai sau gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (156 tỷ USD) từ EU và IMF trong năm 2010.

1. Kinh tế thế giới năm 2011 tiếp tục phục hồi, nhưng sẽ còn nhiều bất ổn

Tổng số các khoản nợ trên thế giới đã tăng gấp đôi từ 57.000 tỷ USD năm 2000 lên trên 110.000 tỷ USD năm 2010. Thế giới sẽ cần nợ thêm 100.000 tỷ USD nữa để hỗ trợ “tăng trưởng kinh tế” trong thập kỷ tới). Quả bóng nợ của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể tan vỡ bất cứ lúc nào và sẽ đẩy thế giới vào rối loạn. Lạm phát, lãi suất và nguy cơ bùng nổ bong bóng USD có xu hướng tăng cao. Giá lương thực tiếp tục leo thang; còn giá dầu lửa toàn cầu tăng mức kỷ lục. Chí phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn ( ở Mỹ, trong vòng 20 năm qua học phí trong các trường đại học đã tăng 286%; các khoản viện phí, nghỉ dưỡng và các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tăng 269%). Thị trường bất động sản vẫn trì trệ hoặc tình trạng bong bong giá ẩn chứa nhiều rủi ro (năm 2010, toàn nước Mỹ chỉ xây dựng 703.000 ngôi nhà mới – con số thấp kỷ lục và giảm 17% so với mức năm 2009). Thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh có thể biến năm 2011 trở thành năm ác mộng cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế Eurozone, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế khu vưc này ở mức 1,6% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012, còn lạm phát lần lượt là 2,3% và 1,7%. Trong đó tăng trưởng kinh tế của các nước Đông, Trung và Đông Nam Âu (trừ những nước Eurozone, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Thổ Nhĩ Kỳ) ước đạt 4,3% trong năm nay và năm tới. Tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chậm lại do xuất khẩu giảm sút và chính sách thắt chặt tài khóa. Ngoài ra, khu vực này còn gặp phải các “cơn gió chướng” như lãi suất và lạm phát gia tăng bởi giá cả hàng hóa, nhất là dầu mỏ, tăng cao cùng với bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia Eurozone khác và các nền kinh tế đang nổi tại khu vực Đông Âu.
Ngày 13/05/2011, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thông báo nền kinh tế của 17 quốc gia Eurozone tăng trưởng 0.8% trong 3 tháng đầu năm 2011. Đây là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 của Eurozone tăng 2.5% (cả hai số liệu trên đều cao hơn so với dự báo 0.6% và 2.2% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones Newswires), trong đó Hy Lạp có mức tăng trưởng 0.8% ; Đức tăng trưởng 1.5%, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng 0.4% trong quý 4/2010. Cả Áo và Pháp cùng tăng trưởng 1% , nhưng Ý và Tây Ban Nha lại thụt lùi phía sau với mức nhích nhẹ lần lượt 0.1% và 0.3%. Bồ Đào Nha giảm 0.7%, mạnh hơn so với mức giảm 0.6% trong quý cuối cùng của năm 2010.
Kết quả thăm dò mới nhất đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 11/4/2011 cho biết dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% trong quý IV/2011, tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 8,3% vào cuối năm 2011 so với mức 8,8% hiện nay, giá tiêu dùng trong năm 2011 sẽ tăng 2,8% và giá dầu thế giới sẽ quay về mức dưới 100 USD/thùng vào cuối năm 2011. Đặc biệt, Nhật Bản và Trung Quốc – hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ- trong khi đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối và cắt giảm tỷ lệ trái phiếu kho bạc Mỹ, vẫn xem trái phiếu kho bạc Mỹ là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh tồn tại quá nhiều bất ổn xung quanh tình hình nợ công tại châu Âu.
Còn theo tờ China Securities Journal 14/5/2011, Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng 9.3-9.4% trong năm 2011, thấp hơn so với mức 10.3% trong năm ngoái, và sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân 9% trong vòng 5 năm tới. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng khẳng định hạ thấp lạm phát là một trong những “ưu tiên hàng đầu” của nước này, vì vậy, bên cạnh chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm các khoản vay mới, ngày 12/05/2011, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nâng dự trữ bắt buộc ngân hàng lần thứ 5 thêm 0.5% với hiệu lực từ ngày 18/05/2011. Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng lớn nhất nước là 20.5%. Kể từ tháng 10/2010 đến nay, Trung Quốc đã 8 lần nâng dự trữ bắt buộc và 4 lần nâng lãi suất nhằm ghìm cương lạm phát đã lên tới 5,3% vào tháng 4/2011.

2. Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2011 sẽ được cải thiện, nhưng còn nhiều thách thức


Những cải thiện đang và sẽ tiếp tục được ghi nhận trong việc kiềm chế sức ép lạm phát, nhất là giảm áp lực lạm phát tiền tệ; cải thiện cân đối cung -cầu về ngoại tệ, ổn định tỷ giá trên cơ sở thu hẹp chênh lệch 2 giá (trong nước và quốc tế, chính thức và tự do), cũng như kiểm soát tôt hơn các hoạt động đầu cơ, tạo sóng trên thị trường vàng và thị trường USD.
Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu cũng sẽ có nhiều cơ hội mở rộng gắn với sự gia tăng nhu cầu và giá cả của thị trường nông sản thế giới, thị trường hàng dệt, may và hàng công nghiệp tiêu dùng…
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2011 Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện với một sô bài toán không dễ tìm lời giải từ một phía và trong thời hạn ngắn, mà nổi bật là:
Thứ nhất, sức ép lạm phát tiếp tục kéo dài và nguy cơ đẩy lạm phát cao 2 con số, gấp đôi mức kế hoạch đầu năm.
Sức ép từ lạm phát tiền tệ giảm dần gắn liền với xu hướng gia tăng chính sách tài chính-tiền tệ thắt chặt, nhất là việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% so với mức thực tế tăng tới gần 30% của năm 2010; hạn chế cho vay đầu tư phi sản xuất và tiêu dùng, nhất là cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản; hạn chế đầu tư công và thâm hụt ngân sách; cũng như hạn chế mua sắm trang , thiết bị và chi tiêu công khác; Đồng thời gia tăng kiểm soát, giảm thiểu tình trạng buôn bán vàng miếng và ngoại tệ không có giấy phép … Sự hợp lực của những động thái này chắc chắn đang và sẽ góp phần giảm dần tổng cầu ảo xã hội, nhất là giảm dần sức ép liên quan đến lạm phát tiền tệ trong thời gian tới như một điểm mới đáng chú ý của tính chất lạm phát ở nước ta trong năm 2011.
Ngược lại, sức ép lạm phát chi phí đẩy tăng nhanh trong những tháng cuối quý 1- đầu quý 2/2011 do gắn liền trực tiếp với tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất-kinh doanh và dịch vụ-tiêu dùng từ cú sốc tăng tỷ giá và các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện diễn ra liên tiếp trong tháng 3/2011; từ sự gia tăng chi phí vốn gằn với cuộc đua lãi suất huy động và cho vay và từ tháng 5/2011 là việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách…Ngoài ra, đợt tăng giá dầu mỏ lên tới 50% (từ mức 80 USD/thùng lên mức 120 USD/thùng) chi trong vòng 5 tháng (11/2010-3/2011) cũng là một xung lực mạnh làm tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy cả ở phạm vi quốc tế, cũng nhu ở Việt Nam.
Mặc dầu sức ép lạm phát tiền tệ đang và sẽ tiếp tục giảm do sự kiên định thực hiện Nghị quyết 11 Chính phủ; nhưng sức ép lạm phát cao vẫn duy trì trong thời gian tới do: i) Xu hướng tăng lạm phát chung của thế giới (lạm phát ngoại nhập); ii) Sự để ngỏ khả năng điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, điện và một số mặt hàng đầu vào và độc quyền khác theo động thái giá thị trường (lạm phát chi phí đẩy) dù trước mắt vẫn phải tuân thủ một số hạn chế nhất định về thời gian và bước giá khi điều chỉnh; iii) Sự gia tăng những bất ổn và khắc nghiệt về thời tiết, sâu bệnh; iiii) Những bất cập trong cơ cấu kinh tế, phối hợp thực hiện chính sách và cả do yếu tố quản lý, tâm lý, đầu cơ thị trường…Hơn nữa, việc chưa kiên quyết cắt giảm đầu tư công, kể cả đầu tư NSNN và những nhu cầu về hàng xa xỉ, ngoại nhập giá cao vẫn tiếp tục tạo xung lực gia tăng lạm phát cầu kéo trong xã hội.
Tính chung, mức lạm phát cuối năm so cùng kỳ năm trước sẽ có nhiều khả năng đạt tới trên dưới 15%, tức cao hơn khoảng ¼ mức tương ứng năm 2010 và cao gấp đôi mức kế hoạch đặt ra đầu năm; Đồng thời, mức tăng trưởng GDP cả năm 2011có thể sẽ thấp hơn năm ngoái một chút do hạn chế động lực tăng trưởng từ thu hẹp nguồn đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và thu hẹp dòng vốn đầu tư xã hội do lãi suất tín dụng cao.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 công bố ngày 6/4/2011 đã nhận định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo của Việt Nam trong năm nay sẽ chậm lại, đạt khoảng 6,1%; và sẽ tăng lên mức 6,7% trong năm 2012 khi môi trường kinh tế ổn định hơn giúp kích thích được tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, lạm phát sẽ giảm nhiệt vào cuối năm nay và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2012. Lạm phát sẽ lên mức cao nhất khoảng 16% trong quý 3, nhưng sẽ giảm dần từ quý tư và ở lạm phát trung bình cả năm 2011 sẽ là 13,3%. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho rằng, việc thay đổi về chính sách trong năm nay đã giảm được những rủi ro trong nước. Nếu sự ổn định kinh tế vĩ mô được khôi phục thì trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn sẽ kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng cân bằng cán cân thanh toán theo dự đoán sẽ được cải thiện
Thứ hai, tiếp tục duy trì sức ép lãi suất cao đối với khu vực ngân hàng, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Do lạm phát cao trên thực tế và bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương để chống lạm phát tiền tệ, cũng như do sức ép thanh khoản của các ngân hàng (nhất là các ngân hàng vừa và nhỏ), cả do mặt trái tác động của việc thu hẹp thị trường vốn bằng vàng và USD, nên lãi suất tín dụng bằng VND của hệ thông ngân hàng sẽ còn tiếp tục giữ ở mức cao hiện nay ít nhất đến hết quý III/2011; Thậm chí, do các chiêu “lách” trần lãi suất huy động trở nên phổ biến và cả do nâng lãi suất liên ngân hàng qua đêm lên tới 15% , nên có thể cần nâng trần lãi suất huy động, trước khi có dấu hiệu cải thiện hạ dần lãi suất tín dụng ngân hàng thương mại do sức ép lạm phát dịu dần trong thời gian tới. Lãi suất cao sẽ khiến các ngân hàng đứng trước nhiều sức ép, trong đó có sức ép cạnh tranh sức hấp dẫn nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động và tìm kiếm khách hàng đủ tin cậy và đủ sức chịu lãi vay cao. Trong bối cảnh đó, có nhiều khả năng dòng vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục bị dồn tụ, tập trung thái quá vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất. Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết năm 2010, nhiều ngân hàng chủ yếu vẫn là cho vay phi sản xuất. Chẳng hạn như, Ngân hàng Phương Tây có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tới 52,2%; ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cũng có mức dư nợ cao 47%; ngân hàng TMCP Đông Nam Á 21%, ngân hàng TMCP Nam Việt 41%,… Tổng dư nợ cho vay phi sản xuất toàn ngành ngân hàng khoảng 431.000 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ toàn ngành, trong đó, 18 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất từ 25% trở xuống; còn là 24 ngân hàng có dư nợ từ 25% trở lên. Đặc biệt, dư nợ của 5 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, MHB, Vietinbank, BIDV và Vietcombank) là 1.097.302 tỷ đồng, chiếm 58% dư nợ của cả hệ thống ngân hàng thương mại trong nước; riêng dư nợ của Agribank đã chiếm 53% dư nợ của 37 ngân hàng TMCP còn lại. Việc tập trung trứng vào một giỏ kieeur đó sẽ khiến rủi ro tín dụng gia tăng và chủ trương tập trung cho vay sản xuất, nhất là cho vay tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ , cũng như cho vay doanh nghiệp vừu và nhỏ sẽ chỉ là lời hiệu triệu tốt đẹp hay an ủi tinh thần cho những người trong cuộc mà thôi.
Trong điều kiện lãi suất vay trên 20%, chắc chắn đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối diện với áp lực ngày càng căng thẳng về trả lãi và thanh toán các khoản nợ đến hạn, duy trì hoạt động, lợi nhuận và cả bộ máy sản xuất. Nguy cơ thu hẹp quy mô hoạt động và giãn thợ có thể đậm hơn nếu sự căng thẳng lãi suất cao kéo dài quá lâu và quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Theo điều tra thống kê mấy năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên vốn sản xuất và doanh thu đều thấp, chỉ đạt bình quân 2-3%, so với mức 4-6% chung của cả nước, thậm chí có đến 30% (năm 2006), 28% (năm 2007) và 26% (năm 2008) doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài nhà nước bị lỗ.
Hơn nữa, ngay cả các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng không mấy ai dám “chịu chơi” vay lãi suất cao để đầu tư dài hạn. Nói cách khác, lãi suất cao cũng sẽ khiến cho bức tranh toàn cảnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2011 không mấy sáng sủa, và sẽ kích đẩy các hoạt động chủ yếu có tính “tạo sóng” và “lướt sóng” mà thôi. Thậm chí, có khả năng nhiều nhà đầu tư không chịu nổi mức lãi suất vay cao, buộc phải “xả hàng và tháo chạy” khỏi thị trường , khiến giả chứng khoán và một số sản phẩm trên phân khúc thị trường bất động sản cao cấp có thể hạ giá khá ấn tượng trong những quý tới.
Thứ ba, thị trường sẽ có nhiều biến động bất an hơn trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh gay gắt hơn.
Thống đốc NNHH Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến nay, tổng dư nợ của hệ thống tín dụng Việt Nam đang bằng khoảng 1,2 lần GDP Việt Nam, so với một số nước chỉ khoảng 0,6-0,7 lần GDP (theo TS.trần Du Lịch, từ năm 2007 đến năm 2010, bình quân mỗi năm để tăng GDP 1 đồng, thì dư nợ tín dụng Việt Nam đến gần 5 đồng, cá biệt năm 2009 cần đến 7 đồng; trong khi đó bình quân của giai đoạn 2001 – 2005 chỉ cần khoảng hơn 3 đồng. Theo Tạp chí Ngân hàng-NHNN- 4/2011, hiệu quả của vốn đầu tư cũng đang giảm thấp đến mức báo động vơi chỉ số ICOR tăng mạnh trong giai đoạn 1991 – 2009. Cụ thể, nếu như trong giai đoạn 1991 – 1995, hệ số ICOR là 3,5 thì đến giai đoạn năm 2007 – 2008, hệ số này là 6,15; năm 2009, hệ số ICOR tăng vọt lên 8; năm 2010, hệ số này giảm xuống còn 6,2; nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WB: đối với một nước đang phát triển, hệ số ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. So sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi, có nghĩa là hiệu suất đầu tư chỉ bằng một nửa). Tín dụng tăng vọt, nhưng nền kinh tế vẫn thiếu vốn, theo Thống đốc, do đây là kênh chủ yếu cấp vốn cho nền kinh tế. Trong khi đó, về nguyên tắc, một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào phát triển theo bề rộng và tăng nợ luôn chứa đựng những bất ổn, trong đó kể cả đối với doanh nghiệp, cũng như với nhà nước. Nói như Phó Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Credit Suisse, ông Jose Isidro N. (Lito) Camacho, tại Hội nghị ADB tổ chức ở Việt Nam vừa qua thì: “Bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao cũng đi đôi với rủi ro,”.
Bất ổn thị trường có nguy cơ lớn nhất và tai hại nhất- như kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng gần đây ở khu vực và thế giới cho thấy- sẽ là bất ổn trên thị trường tài chính-tín dụng, nhất là khi nợ công vượt ngưỡng an toàn, cơ cấu dư nợ tín dụng phi sản xuất và có tính đầu cơ tăng cao, đồng thời còn nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt chuẩn tối thiểu về lành mạnh tài chính, cũng như được quản trị tùy tiện và giám sát lỏng lẻo, hời hợt bất chấp các nguyên tắc phát triển bền vững. Theo Bộ Tài chính, tính đến hết 31/12/2010, dư nợ chính phủ bằng 44,3%, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,6% GDP. Mặc dù tỉ lệ nợ công Việt Nam được coi là vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng đã trở nên cao hơn hẳn so với tỉ lệ phổ biến 30% – 40% ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác. Mức nợ công bình quân đầu người từ 2001 đến 2009 đã tăng gần bốn lần, từ 144 USD lên tới 548 USD, tức trung bình hơn 18%/năm, trong khi tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của cùng thời kì chỉ là 6%/năm. Nợ công tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách cao và kéo dài đã đe dọa tính bền vững của quản lí nợ công ((năm 2011 Việt Nam bố trí 85.000 tỷ đồng để trả nợ so với 590.000 tỷ đồng thu ngân sách -tỷ lệ gần 15%) và gây áp lực lên lạm phát, đây cũng là nguyên nhân chính khiến xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đều bị các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ thấp.
Sự bất ổn thị trường (bao hàm cả về quy mô, khả năng cân đối cung cầu và mức giá cả hợp lý…) còn liên quan đến không chỉ tính độc quyền cao, kéo dài của một số nhà cung ứng “con cưng”, hay những “chiêu” gây nhiễu và tạo sóng của giới đầu tư có tính đầu cơ; mà còn liên quan đến xu hướng gia tăng tự do hóa thị trường cho đầu tư tư nhân nước ngoài trong các vực mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có hệ thống bán lẻ và thu mua, chế biến xuất khẩu.
Xu hướng bất ổn sẽ còn tiếp diễn trên các thị trường hàng lương thực, thực phẩm; Vì vậy, trong thời gian tới, cần coi trọng an ninh lương thực với tư cách là lĩnh vực thiết thân, nhậy cảm và sống còn của quốc gia.
Tuy nhiên, trong thời gian tới cuối năm sẽ có sự hạ nhiệt ở một số thị trường cá biệt, như thị trường thép trong nước do giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới có xu hướng chững lại và giảm xuống; các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Đông Nam Á; đồng thời do giảm nhu cầu thép xây dựng vì cắt giảm đầu tư công và lãi suất cho vay cao khiến xây dựng cơ bản cũng thu hẹp quy mô.
Thứ tư, quá trình tái cấu trúc kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Với tư cách là quá trình mở và có nội hàm rộng, việc tái cấu trúc kinh tế cả ở cấp quốc gia, cũng như cấp doanh nghiệp trong thời gian tới ở nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn và cả rủi ro liên quan trực tiếp đến các khía cạnh vốn, thị trường, lao động, công nghệ và thương hiệu…
Trươc hết, đó là khó khăn và rủi ro gắn với sự lựa chọn định hướng đầu tư , sản phẩm , ngành và tái cấu trúc sao cho vừa phát huy lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và địa phương, vừa bảo đảm tính ổn định lâu dài của guồng máy sản xuất và thu hồi vốn đầu tư. Trong khi các lợi thế và thị trường truyền thống mất đi, các sản phẩm và thị trường mới chưa ổn định và thu lợi chắc chắn, các doanh nghiệp , và do đó, nền kinh tế sẽ đối diện với những chi phí vốn khổng lồ, kéo theo những hệ lụy toàn diện và không dễ khó dự liệu hết (theo điều tra của Bộ KH&ĐT, 70% doanh nghiệp còn dựa chủ yếu vào các nguồn vốn vay và có tới 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay, nên dầu tư và kinh doanh cầm chừng và 1/3 tuy có tiếp cận được nhưng gặp khó khăn).
Hơn nữa, sự hạn chế nguồn vốn cho tái cấu trúc cũng là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp và các hoạt động tái cấu trúc trong bối cảnh lạm phát cao và kiên trì thắt chặt tài chính-tiền tệ. Đồng thời, lãi suất cao của các khoản vay trong khi nguồn thu từ các hoạt động tái cấu trúc sẽ làm tăng độ rủi ro liên quan đến chiếc “bấy nợ” cho cả nợ công, cũng như nợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, quá trình tái cấu trúc còn có thể làm xáo trộn bộ máy lao động, tổ chức của doanh nghiệp và nền kinh tế, khoét sâu những lỗ hổng về nhân lực và quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu sản phẩm mới làm ra không đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn thế giới, cũng như những cam kết và uy tín thương hiệu của sản phầm, thì doanh nghiệp dễ lầm vào cảnh ế đọng sản phẩm mới, còn uy tín thì có thẻ bị tổn thương nghiêm trọng, kiểu “Tích củi 3 năm, thiêu trong 1 giờ”, khiến doanh nghiệp lâm cảnh khó chồng lên khó…
Thứ năm, an sinh xã hội ngày càng gia tăng áp lực.
Những người lao động có thu nhập thấp đang và sẽ tiếp tục chịu áp lực kép gia tăng cả từ phía thu nhập thực tế giảm xuống do lạm phát cao, nhất là giá cả lương thực, thực phẩm tăng nhanh chóng mặt, cũng như từ phía vị trí lao động trở nên mong manh hơn do doanh nghiệp đang chịu khó khăn từ lãi suất cao như đã nêu trên. Các cuộc đình công và khiếu kiện tập thể liên quan đến cơm áo gạo tiền có xu hướng dồn dập và căng thẳng hơn; nhóm người nghèo và cận nghèo tăng lên và đời sống của nhiều gia đình bị giảm sút rõ rệt. Năm 2008, CPI có mức tăng kỷ lục tới 19,9% và khi đó, số lượt nhân khẩu thiếu đói cả năm đã lên tới hơn 4 triệu lượt, cao nhất của giai đoạn 2006-2010. Bộ KHĐT cho biết, năm 2008, số vụ tranh chấp lao động và đình công đã tăng 30% so với năm 2007. Năm 2009, chỉ số giá giảm, đình công chỉ bằng 30% của năm 2008. Đến năm 2010, chỉ số giá vượt 2 con số thì đình công đã xảy ra ở 19 tỉnh, thành cả nước và tăng tới…93% so với năm 2009. Còn trong tháng 1 và 2/2011, số lượt nhân khẩu nông nghiệp thiếu đói đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2010 với 838,6 nghìn lượt. Đây cũng là số lượng nhân khẩu thiếu đói nhiều nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Các phân tích của Tổng cục Thống kê còn cho thấy, khi tính các chuẩn nghèo mới của Việt Nam cho giai đoạn 2011-2015, lạm phát năm 2010-2011 được giả định là 8- 8,5% cho khu vực thành thị, 7-7,5% cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế, CPI bình quân năm 2010 ở 2 khu vực này đã cao hơn lần lượt là 1,92% và 0,58%. Dự báo năm 2011, CPI bình quân năm sẽ cao hơn tới 5,4- 6,4% so với mặt bằng trên. Các chuyên gia của Tổng cục này cho biết khi đó, giá trị thực tế của chuẩn nghèo 5 năm tới sẽ bị mất khoảng 7-8% giá trị, tức khoảng 30.000- 40.000 đồng/người/tháng. Vì thế, số hộ nghèo vừa vươn lên… ngưỡng hộ cận nghèo về bản chất, vẫn hoàn nghèo như cũ. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở 2 khu vực này lần lượt có thu nhập từ khoảng 401.000 đồng-520.000 đồng/người/tháng và 501.000- 650.000 đồng/người/tháng. Hiện, cả nước có 3,1 triệu hộ nghèo, chiếm 14,42% và 1,65 triệu hộ cận nghèo, tỷ lệ 7,69%. Các tỉnh có hộ nghèo nhiều nhất là Lào Cai, Điện Biên (trên 50%), Lai Châu, Hà Giang (trên 40%), Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum (trên 30%).
Một phép logic đã được cơ quan này nêu rõ, khi lạm phát tăng cao thì tỷ lệ giảm nghèo sẽ bị giảm. Giả sử như CPI tháng 12/2011 tăng 7%, CPI bình quân là 11,9%, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam có thể giảm được 1,5 điểm %. Nhưng khi CPI tháng 12 năm nay tăng 9%, CPI bình quân năm tăng 13,1% thì tỷ lệ hộ nghèo bị giảm đi 1,3 điểm %. Còn nếu CPI tháng 12 năm nay tăng tới 12%, CPI bình quân tăng 13,9% thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm 1 điểm %. Như vậy, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam theo Quốc hội đặt ra là giảm 2% sẽ khó đạt được.

3. Những đối sách thích ứng cần có trong thời gian tới


Về tổng thể, Việt Nam đang và sẽ còn đối diện với nhiều bài toán và thách thức truyền thống và phi truyền thống, trong khi khả năng huy động và sử dụng các công cụ và các nguồn lực để giải quyết chúng có xu hướng co hẹp hoặc giảm, thậm chí mất đi lợi thế tương đối, đòi hỏi chúng ta phải có những nhận thúc mới và quyết tâm, cùng cách làm mới.
Trước hết, các cấp chính quyền và các bộ, ngành, tổ chức (trước hết là tài chính ngân hàng, công thương…) cần nâng cao nhận thức, kiên định mục tiêu phát triển bền vững đã lựa chọn; Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước; tăng cường công tác thông tin (nhất là chất lượng công tác thống kê), dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là mặt trái của những chính sách đang và sẽ triển khai; Tăng cường kiểm tra thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, lũng đoạn và lợi dụng tăng giá tùy tiện trên thị trường. Tăng đồng cảm và đồng hành cùng doanh nghiệp, gia tăng các hoạt động bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nhất là cho các doanh nghiệp có tín nhiệm, có dự án có khả năng thu hồi vốn và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao); đơn giản hóa các thủ tục vay vốn (nhất là thủ tục tín chấp, quy định về chứng thư bảo lãnh); điều chỉnh thời hạn cho vay vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất;.. Việc gia hạn chậm nộp, hoặc miễn giảm các khoản thuế và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, cũng tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn giá rẻ để duy trì và mở rộng kinh doanh. Cần đi đúng quy trình an toàn trong hành trình đi tới thị trường cạnh tranh đầy đủ, đó là: Thứ nhất, thực hiện cạnh tranh cung ứng trước khi thực hiện giá cả thị trường,nhất là trong ngành điện, xăng dầu; Thứ hai, thực hiện nâng, mềm hóa trần lãi suất huy động trước khi thả nổi trần lãi suất huy động; đồng thời trong bối cảnh có tính độc quyền và đầu cơ vốn cao, cần khống chế trần lãi suất cho vay và gia tăng kiểm soát vĩ mô nhằm hạn chế tình trạng buôn bán vốn lòng vòng và tập trung cho vay rủi ro vào lĩnh vực phi sản xuất, từ đó giúp cải thiện nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, cũng như giarm thiểu nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng; Thứ ba, bên cạnh việc cấm đầu cơ, huy động và cho vay tín dụng bằng vàng của các ngân hàng, cần sớm xây dựng quy chế và thể chế hóa việc sản xuất, mua bán vàng miếng tập trung do Nhà nước kiểm soát, bảo đảm quyền lợi và sự thuận lợi, an toàn trong sở hữu, giao dịch và tích trữ vàng chính đáng của người dân; Đồng thời, cần sử dụng nhiều hơn các công cụ kinh tế (mua bảo hiểm tiền gửi bắt buộc ở mức cao và lũy tiến theo quy mô huy động tín dụng và sự lành mạnh của hoạt động tín dụng của ngân hàng; tăng các chế tài phạt tài chính nghiêm khắc đủ sức răn đe những vi phạm quản lý ngân hàng…) cùng với các công cụ hành chính (quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không chế hạn mức tín dụng…) để hướng ngân hàng vào các hoạt động tín dụng mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Tại Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3/5/2011, Phó chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Credit Suisse, Ông Jose Isidro N. (Lito) Camacho cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu các tổ chức tín dụng hướng sản phẩm cho vay, tín dụng vào khu vực sản xuất, chứ không phải những lĩnh vực mang tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản thì tôi nghĩ rằng họ có thể trụ vững được”.
Nhà nước và mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần coi trọng phát triển hệ thống các thông tin và công cụ cảnh báo sớm, xây dựng những kịch bản chủ động ngăn chặn các nguy cơ bất ổn cục bộ và hệ thống, mà trước hết là từ các khoản nợ công, tín dụng ngắn hạn và cơ cấu nợ tập trung quá mức, sự thiếu hụt khả năng thanh khoản và những bất minh tài chính nội bộ; Tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư; kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tỉnh táo để rà soát các dự án đầu tư, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, nhất là định hướng kinh doanh và các nguồn vốn, giảm thiểu các chi phí hoạt động, tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tăng cường liên doanh, liên kết, sáp nhập và cổ phần hóa; tăng lương cùng với tăng giờ để không tuyển dụng thêm lao động và điều chỉnh ca kíp hợp lý hơn để duy trì được bộ máy sản xuất của mình vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tạo nền tảng cho phát triển lâu dài.
Tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo; cần quan tâm hơn đến sự đủ đầy của các kho dự trữ quốc gia phòng khi “trái nắng, trở giời”; phát triển hệ thống phân phối nội địa đáp ứng nhanh nhậy cung-cầu thị trường. Tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời để nhân dân hiểu, đồng thuận về vấn đề kiểm soát tăng giá và ổn định thị trường; Xử lý nghiêm, kịp thời theo thẩm quyền các hành vi đưa tin sai sự thật, các hoạt động có yếu tố kích động tăng giá, gây tâm lý bất an trong xã hội, không đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phải luôn lấy yếu tố con người là trung tâm, là quyết định”, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh trong phiên họp định kỳ Chính phủ vừa qua…/.

(Bài phát biểu được tình bày tại Hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp”)

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn