Doanh nghiệp làm gì để ứng phó với lạm phát?

TP – Ngày 24/7, tại Hà Nội, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cùng Tạp chí Nhà quản lý tổ chức hội thảo “Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp (DN)”.

Tham dự có hơn 100 đại biểu, là các nhà quản trị DN, chuyên gia trong ngoài nước và đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước.

Nguy cơ thất nghiệp phá sản

TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch VACD – nói lên tâm trạng chung của các nhà quản trị DN: “Lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, đang tác động mạnh mọi khía cạnh đời sống KT-XH. Mưu sinh hằng ngày đang trở nên khó khăn hơn, giá đầu vào sản xuất liên tục tăng nhanh; nguy cơ một bộ phận thất nghiệp, phá sản đang hiển hiện”.

Ý kiến Chủ tịch VACD được mọi người nhất trí: Tình trạng hiện nay có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đây là thời điểm những yếu kém tích lũy nhiều năm trong quản lý vĩ mô và vi mô đã bộc lộ rõ nét.

Nói cách khác, như PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện kinh tế VN), không thể giải thích tình hình này chỉ bằng hay chủ yếu bằng những sai sót của một số giải pháp điều hành cụ thể hay do Chính phủ lúng túng nhất thời khi phải phản ứng thật nhanh trước dòng chảy cơ hội và thách thức cùng đổ vào một lúc.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan (gồm tác động của kinh tế thế giới và ảnh hưởng của thiên tai), còn có các nguyên nhân chủ quan, mà trước hết từ những yếu kém cơ cấu nội tại nền kinh tế (mô hình tăng trưởng “nóng” kéo dài nhiều năm; hạ tầng cơ sở yếu kém; các nguồn lực chất lượng thấp, không được chuẩn bị; tính không đồng bộ của thị trường kéo dài, ít được quan tâm khắc phục; năng lực quản trị, chế ngự rủi ro thấp).

Tiếp đến là việc chúng ta chưa chuẩn bị tốt năng lực hội nhập để đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức sau khi gia nhập WTO. Thiếu tầm nhìn; thiếu năng lực phối hợp và phản ứng chính sách; thiếu năng lực dự báo, cảnh báo.

Thực trạng này của cả bộ máy quản lý nhà nước và bản thân mỗi DN, không thể ngày một ngày hai khắc phục.

Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro

Nhìn thẳng sự thật, vạch rõ những yếu kém trong quản lý vĩ mô và vi mô, các đại biểu dự hội thảo còn nhìn nhận:

Không chỉ là căn bệnh có khả năng hủy diệt (nếu ta không đủ năng lực đối phó), lạm phát còn có chức năng loại bỏ các yếu kém trong hệ thống, thúc đẩy cải cách, giúp nền kinh tế củng cố, gia cố các điểm yếu của hệ thống thể chế để có khung cấu trúc vững mạnh. Theo nghĩa đó, lạm phát là cơ hội lớn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện NC phát triển KT Hà Nội), thời gian tới, sự thành công của những giải pháp kiềm chế lạm phát và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế VN phụ thuộc rất lớn vào các việc:

Tuân thủ đúng cả yêu cầu lẫn quy trình của kinh tế thị trường trong quản lý giá cả; Coi trọng tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng;

Nâng cao chất lượng công tác dự báo kinh tế để chủ động kiểm soát lạm phát hiệu quả hơn; Cải cách căn bản khu vực DN nhà nước, nâng cao hiệu quả tài chính công; Coi trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng,

Trọng dụng người tài.

PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn (ĐHQG Hà Nội) lưu ý nguy cơ tầm vĩ mô: Các biện pháp chống lạm phát sẽ làm tăng lợi ích của nhóm này, giảm lợi ích của nhóm khác; trong đó những người lương “ba cọc ba đồng”, những người nghèo và những người “dễ bị tổn thương” bị đẩy vào tình thế bất lợi nhất, nếu họ không được trợ giúp bằng chính sách xã hội thích hợp.

Với kinh nghiệm một nhà tư vấn quản trị DN chuyên nghiệp, Tổng GĐ Tập đoàn AsiaInvest kiêm Phó Tổng thư ký VACD Nguyễn Ngọc Bách khuyến nghị, mỗi DN cần khẩn trương xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể chủ động ứng phó những nguy cơ tiềm ẩn do lạm phát mang lại.

Trước hết, xem xét lại danh mục đầu tư trong kế hoạch ngân sách 2008 và tái cấu trúc vốn. Tiếp đến là kiểm soát chặt chẽ chi phí, phát động phong trào tiết kiệm tại DN; hoàn chỉnh và thực hiện nghiêm ngặt chính sách quản lý các khoản nợ phải thu; chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu và hàng hoá dự phòng; quan tâm đúng mức đội ngũ nhân viên (ưu tiên đảm bảo đời sống, nâng cao nhận thức và khả năng thích nghi); cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến phê phán không ít DN chưa minh bạch thông tin về mình, làm khó cho cả đối tác làm ăn, khách hàng lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, VACD đang chuẩn bị nhiều nội dung khuyến nghị gửi các cơ quan Chính phủ, nhằm hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn sóng gió, góp phần kiềm chế lạm phát trước mắt và khắc phục những yếu kém cố hữu trong quản lý KT-XH.

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn