Hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” tại TP Hồ Chí Minh

Sau Hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” được tổ chức thành công tại Hà Nội ngày 20/5/2011, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo cùng chủ đề tại TP Hồ Chí Minh ngày 28/6/2011.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư và gần 200 đại biểu là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, quản lý ở một số Viện Nghiên cứu, Trường đại học, Hiệp hội, các cơ quan báo chí và truyền thông Trung ương và TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, bằng các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà quản trị doanh nghiệp đã chia sẻ những nhận định, đánh giá của mình về tác động của các chính sách kinh tế đến doanh nghiệp, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2011.  Lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng vọt… đang tạo ra những sức ép nặng nề và những khó khăn to lớn đối với sự tồn tại của doanh nghiệp.

Giáo sư- Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái – Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh năm 2011 là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 5,6%, thấp hơn mức 6,16% cùng kỳ năm ngoái, lạm phát lên tới 13% do tác động của giá thế giới, tỷ giá và giá một số đầu vào quan trọng. Trong khi đó xuất khẩu tăng, nhất là nông sảm nhưng thâm hụt thương mại lên 7,5 tỷ USD. Trước áp lực lạm phát, các doanh nghiệp gặp khó khăn toàn diện trên mọi mặt như áp lực về giá cả nguyên liệu, tiếp cận nguồn vốn khi nhà nước sắt chặt tiền tệ, sức mua của người dân giảm…

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 11 của Chính Phủ được ban hành, ban lãnh đạo công ty đã xác định rõ, một chính sách ban hành bao giờ cũng có độ trễ nhất định. Do đó, Vissan đã tự vạch ra phương án ‘tự cứu lấy mình trước khi người khác cứu’. Đầu tiên, việc cần làm ngay của công ty là phải co cụm lại hoạt động sản xuất bằng cách chuyển từ chiến lược phát triển sang chiến lược tồn tại, sau đó, luôn hướng tới phương châm: “Tồn kho nguyên liệu vừa đủ, không ký các đơn hàng dài hạn”. Và biện pháp cuối cùng là “năn nỉ” các đơn vị cung cấp đầu vào du di việc nới lỏng giá cả cho công ty.

Cũng là biện pháp rất cụ thể mang tính “cái khó ló cái khôn”, ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty CP Cacao Việt Nam, cho biết, để có giá thành thấp nhất trong bối cảnh khó khăn này, công ty phải luôn thực hiện chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn”.

Bên cạnh việc tự tìm cách sinh tồn, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước cần có những công việc cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TPHCM đồng tình trước khó khăn, doanh nghiệp cần tìm cách ứng phó phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động phù hợp của mình. Nhưng theo bà Loan, doanh nghiệp lĩnh vực nào cũng gặp khó khăn thì điều quan trọng về lâu dài, cần những chính sách ổn định phù hợp của nhà nước để doanh nghiệp chủ động sản xuất, phát triển bền vững.

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn