Kiến nghị gửi chính phủ của Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam

Kính gửi: – Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – Thủ tướng Chính phủ.            

Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam ( VACD ) là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp quy tụ các uỷ viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, giảng dạy về quản trị.

Ngày 24/07/2008, Hội đã tổ chức một cuộc Hội thảo với chủ đề “Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp”. Hơn 150 hội viên và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tham gia Hội thảo.

Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực của việc thực thi 8 gói giải pháp của Chính phủ, song tình hình lạm phát vẫn diễn biến phức tạp, cán cân thương mại thâm hụt nghiêm trọng, nhiều xí nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng, đời sống của một bộ phận dân cư đang gặp khó khăn gay gắt, những bất ổn kinh tế vĩ mô đang bộc lộ ngày càng rõ. Trong tình hình đó, Hội thảo đã tập trung thảo luận các biện pháp ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị của từng doanh nghiệp.Tuy nhiên, cuộc thảo luận cũng cho thấy trong những nguyên nhân của hiện tình đất nước, có những nguyên nhân thuộc về cách điều hành vĩ mô mà hệ quả của nó đã được tích lũy lại trong cơ cấu nền kinh tế mà mô hình phát triển kinh tế xã hội từ nhiều năm qua. Những nguyên nhân đó cũng là những vấn đề “quản trị”. Nhưng từ góc độ quản trị doanh nghiệp không thể giải quyết hết được. Vì vậy, chúng tôi xin phản ánh với Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ ý kiến của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định đi vào những vấn đề chung và cũng không lặp lại những giải pháp vĩ mô đã được các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế đề xuất, mà chỉ tập trung chủ yếu vào những vấn đề cụ thể của quản trị và quản trị doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng không có tham vọng kiến nghị những giải pháp tổng thể mà chỉ đề xuất một số biện pháp mà chúng tôi thấy là cấp bách nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện với những bất cập. Kiến nghị của chúng tôi bao gồm cả những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bởi theo chúng tôi, lạm phát cũng có mặt tích cực: Nó là cơ hội để chúng ta thực hiện những giải pháp trung hạn và dài hạn mà trong những điều kiện khác, chúng ta không thấy rõ và không đủ quyết tâm tiến hành

A. CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRONG NGẮN HẠN

1. Tạo dựng lòng tin: Trong hoàn cảnh hiện nay ( 2008 ), lòng tin của các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh, của nhân dân trong nước và của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm và năng lực quản lý điều hành của Chính phủ ta có một giá trị không gì thay thế được. Để tạo dựng, củng cố và tăng cường lòng tin, chúng tôi đề nghị:

– Thực hiện chặt chẽ nguyên tắc quyền hạn đi liền với trách nhiệm cá nhân: Nếu trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, quản lý tập đoàn Nhà nước,..v…v… có những sai lầm quản lý nghiêm trọng, gây tổn thất cho Nhà nước và nhân dân, thì người đứng đầu trong lĩnh vực phải kiểm điểm và bị xử lý nghiêm túc theo đúng trách nhiệm, tránh tình trạng không có ai chịu trách nhiệm hoặc chỉ xử lý bằng cách khiển trách, cảnh cáo suông. Đây là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu lực của hệ thống quản lý.

– Minh bách hoá tối đa để chứng minh “Lời nói đi đôi với việc làm”: Chính phủ đã chủ trương cắt giảm chi tiêu công thi toàn bộ hệ thống phải triển khai cắt giảm một cách nghiêm túc và phải được minh bách hoá tối đa để toàn xã hội có thể cảm nhận được, kiểm tra được.

       Đối với các dự án đầu tư công ( Kể cả các dự án của các doanh nghiệp Nhà nước dùng vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay của Ngân hàng thương mại do Nhà nước bảo lãnh ), cần công khai hoá: Tên dự án, ngày phê duyệt, người phê duyệt, tình trạng hiện tại của dự án, tiêu chí và lý do cắt giảm, hướng xử lý tiếp theo, cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện,..v….v

       Đối với việc tiết kiệm ngân sách trong các cơ quan Nhà nước, cần định kỳ công bố việc sử dụng các phương tiện công: Máy bay, ô tô, điều hoà không khí, hội nghị hội thảo, tiệc tùng, đi công tác địa phương, mua sắm vật dụng…đã được tiết kiệm ra sao. ở đâu, được bao nhiêu và có thể kiểm tra như thế nào?

– Kiểm soát chặt tính nhất quán trong phát ngôn của các cơ quan và quan chức Nhà nước, tránh hiện tương như đã xảy ra khi thị trường chứng khoán sụt giảm hoạc trước khi tăng giá xăng dầu trong thời gian qua. Điều này tưởng nhỏ nhưng nó tác động rất lớn đến niềm tin của thị trường trước các quyết sách và sự thống nhất trong điều hành của Chính phủ

2. Thiết lập một cơ chế có thể phản ứng nhanh và chuẩn xác các vướng mắc trong lạm phát của doanh nghiệp: Thành lập một Tổ đặc nhiệm ở Văn phòng Chính phủ ( Với biên chế gọn nhẹ và có thẩm quyền), ở các Bộ, Ngành chủ yếu (Ngân hàng, tài chính, kế hoạch và đầu tư, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số địa phương quan trọng, có sự phối hợp của một số hội và hiệp hội nghề nghiệp để điều tra nhanh và đề xuất xử lý kịp thời các vướng mắc của các doanh nghiệp “Như: Xem xét nhu cầu ngoại tệ và nội tệ để làm hàng xuất khẩu, xem xét giải quyết nhanh vấn đề trợ cấp giá xăng dầu cho những nghề có khó khăn đặc biệt,…v….v” 

3. Thực hiện ngay việc miễn, giảm hoặc giãn thuế (Thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…) cho một số mặt hàng, ngành nghề khó khăn. Dừng hoặc bãi bỏ việc tạm thu thuế thu nhâp doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp

4. Giao các Bộ, Ngành liên quan rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết, xử lý các tình huống phát sinh trong và sau lạm phát (Luật phá sản, các văn bản pháp luật liên quan đến giải thể, mua bán, sát nhập các Ngân hàng, các doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân…

5. Triển khai cụ thể và quyết liệt các biện pháp an sinh xã hội, trợ cấp bằng tiền cho những người thu nhập quá thấp, có vị thế dễ bị tổn thương do lạm phát để vừa đảm bảo ổn định xã hội vừa kích cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

B. CÁC BIỆN PHÁP TRUNG VÀ DÀI HẠN

1. Xây dựng quy trình và tiêu chuẩn thẩm định, phê duyệt, giám sát, theo dõi, đánh giá, các dự án đầu tư công: Hiện nay, Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho các địa phương, Bộ, ngành và Tập đoàn, nhưng không có các quy trình và tiêu chuẩn cần thiết. Kết quả là, Nhà nước hầu như không buông lỏng quản lý, các địa phương, các Bộ và các Tập đoàn triển khai đầu tư tràn lan, vừa manh mún, tản mạn, vừa kiếm hiệu quả (Hệ số ICOR ngày càng cao, đến mức không thể chịu đựng nổi và đây là một nguyên nhân của lạm phát.) Chúng tôi đề nghị Chính phủ giao Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn nói trên.

        Đồng thời, chúng tôi đề nghị Chính phủ cho rà soát lại các chiến lược, quy hoạch của các ngành, các địa phương bảo đảm luận cứ khoa học, tính dự báo và tính khả thi của các chiến lược và quy hoạch này. Trên cơ sở đó, xây dựng một chương trình đầu tư công (PIP) ít nhất cho giai đoạn 5 năm trước mắt nhằm hiện thực hoá các mục tiêu chiến lược của Quốc gia.

        Chỉ khi nào có được một chính sách đầu tư thống nhất, một chương trình đầu tư công được chuẩn bị nghiêm túc, mới có cơ sở để rà soát các dự án đầu tư, phân bổ tối ưu các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư

2. Liên quan đến các Tập đoàn kinh tế Nhà nước:

– Sử dụng kiểm toán độc lập ( Không phải kiểm toán Nhà nước ), kiểm toán tất cả các Tập đoàn kinh tế Nhà nước để xem hiệu quả đầu tư và kinh doanh của các Tập đoàn đó hiện ở mức nào.

– Tổ chức (Thuê tư vấn trong và ngoài nước ) đánh giá hiện trạng, năng lực quản trị của các Hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Từ đó, hoạch định kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và xây dựng các tiêu chí cho các uỷ viên hội đồng quản trị, các quản trị viên cao cấp.

– Xem xét lại một cách nghiêm túc các quy trình, tiêu chuẩn tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm các uỷ viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Qua đó, đề nghị xem xét, xác định lại một cách có cơ sở những quan điểm cơ bản về Tập đoàn kinh tế và Tập đoàn kinh tế Nhà nước

3. Liên quan đến công tác thông tin, thống kê, chúng tôi đề nghị:

– Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, lập đề án và triển khai xây dựng hệ thống thông tin – dữ liệu quốc gia đủ năng lực để thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp các thông tin cần thiết cho điều hành guồng máy kinh tế ( Cả vi mô lẫn vĩ mô ), cho nghiên cứu và hoạch định chính sách. Thông tin của chúng ta hiện nay rất không nhất quán giữa các cơ quan và rất nghèo nàn (Hầu như chỉ có các số liệu về tình hình phát triển, tăng trưởng, rất thiếu những thông tin cho phép dữ báo các nguy cơ ), nên không thể sử dụng để chuẩn bị các chính sách điều hành kinh tế và kinh doanh.

– Sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin, nhất là các thông tin cần thiết cho điều hành kinh tế và kinh doanh.

– Nghiên cứu cải tổ Tổng cục Thống kế theo hướng đặt cơ quan này trực thuộc Quốc hội và tăng cường cơ quan nay để nó hoàn thành được nhiệm vụ ngày càng phức tạp mà đời sống kinh tế đặt ra

4. Liên quan đến điều hành vĩ mô:

– Nghiên cứu, cải tổ Ngân hàng Nhà nước theo hướng Ngân hàng Nhà nước độc lập tương đối với Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không phải là một Bộ trưởng như hiện nay.

– Rà soát và thực thi những thay đổi cơ bản với:

* Quy trình lập kế hoạch ( Phải xuất phát từ thực tế rất phức tạp và đa dạng chứ không phải xuất phát từ mong muốn theo kiểu ý chí luận):

* Quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, công chức ( Phải có các tiêu chuẩn khách quan đi kèm và phải được đánh giá lại bằng một cơ quan độc lập. Đặc biệt cần có một chương trình dài hạn đào tạo lại cán bộ, công chức để thay đổi một cách cơ bản kỹ năng và thái độ phục vụ )

– Đề nghị Chính phủ cho triển khai ngay các nghiên cứu cần thiết cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình phát triển (Từ các bài học của lạm phát ) để có cơ sở hoạch định và điều chỉnh chiến lược phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

– Cuối cùng, chúng tôi đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ cho xây dựng và sớm ban hành Luật về Hội, nhằm tăng cường sự tham gia và nâng cao vai trò tư vấn, phản biện, giám sát các Hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự trong quản lý kinh tế – xã hội, tạo cơ sở cho sự đồng thuận, sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Chúng tôi xin gửi tới Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ lời cảm ơn chân thành 

Nơi nhận:
– Như trên
– Bộ Nội vụ (Để biết )
– Bộ Kế hoạch & Đầu tư 
– Lưu văn phòng VACD