Quyết định Ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Ban Tư vấn và Phản biện chính sách

HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
———————–
Số: 57.13/QĐ.VACD 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 28  tháng  11  năm 2013

QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH

HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

(Về việc: Ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Ban Tư vấn và Phản biện chính sách)

CHỦ TỊCH HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM– Căn cứ Quyết định thành lập Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam số 745/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 04 tháng 7 năm 2007;

– Căn cứ Điều lệ hoạt động của Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam;

– Căn cứ quyết định thành lập Ban Tư vấn và Phản biện chính sách số 56.13/QĐ.VACD ngày 28 tháng 12 năm 2013;

– Căn cứ yêu cầu hoạt động của Ban Tư vấn và Phản biện chính sách;

– Theo đề nghị của Tổng thư ký Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Ban Tư vấn và Phản biện chính sách thuộc Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam.

Điều 2: Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Ban Tư vấn và Phản biện chính sách gồm 04 chương, 16 điều.

Điều 3: Các Ông/Bà Tổng thư ký, Văn phòng Hội, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:                               
Như điều 3;
Ban Chấp hành Hội;
Lưu VP.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DNVN 
HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
———————– 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc  

Hà Nội, ngày 28  tháng  11  năm 2013

QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

CỦA BAN TƯ VẤN VÀ PHẢN BIỆN CHÍNH SÁCH

(Ban hành theo Quyết định số 57.13/QĐ.VACD của Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam)

——————————

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1Khái niệm, Mục đích

1. Hoạt động tư vấn và phản biện chính sách trong quy chế này được hiểu là sự tham gia vào các hoạt động soạn thảo văn bản về các chính sách kinh tế, xã hội, các văn bản pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; Đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, các văn bản pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền hoặc do Hội chủ động đề xuất của:

(i ) Cá nhân chuyên gia, nhân danh Hội viên hoặc một chức vụ trong Hội;      

(ii ) Tập thể chuyên gia do Hội lựa chọn và mời;

( iii ) Tập thể chuyên gia và Ban chấp hành Hội, nhân danh Hội.

2. Mục đích của hoạt động Tư vấn và Phản biện chính sách của Hội: tập hợp trí tuệ của các hội viên, các chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng, góp phần đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các thông lệ quốc tế của các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quản lý và quản trị doanh nghiệp.

3. Tư vấn cho hội viên nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, ngăn ngừa những rủi ro trong kinh doanh do vi phạm quy định của pháp luật; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

1. Ban Tư vấn và Phản biện chính sách thuộc VACD.

2. Hội viên VACD.

3. Các đối tượng liên quan khác.

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ của Ban

1. Chức năng:

Ban Tư vấn và Phản biện chính sách thuộc VACD (sau đây gọi tắt là Ban) là đơn vị phụ thuộc của VACD, có chức năng tham mưu, làm đầu mối giúp Ban Chấp hành trung ương Hội tổ chức và thực hiện hoạt động tư vấn và phản biện chính sách của Hội.

2. Nhiệm vụ:

2.1. Hoạt động tư vấn và phản biện chính sách:

a. Làm đầu mối giúp Ban Chấp hành trung ương Hội thiết lập các kênh tư vấn và phản biện chính sách với hệ thống các cơ quan lập pháp (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), các cơ quan hành pháp (Chính phủ, các Bộ, Chính quyền các cấp) và các cơ quan/ Tổ chức khác;

b. Làm đầu mối tổ chức và tập hợp trí tuệ các chuyên gia, các nhà quản trị   thực hiện công tác tư vấn và phản biện chính sách;

c. Làm đầu mối tiếp nhận và tổng kết các thực tiễn của hội viên và cộng đồng các nhà quản trị doanh nghiệp phục vụ công tác tư vấn, phản biện chính sách;

d. Đảm bảo nội dung chuyên môn trong quá trình thực hiện tư vấn và phản biện chính sách của Hội;

e. Xây dựng các phương án huy động các nguồn lực từ các hội viên, các tổ chức phục vụ công tác tư vấn, phản biện chính sách trình Ban Chấp hành trung ương Hội.

2.2. Hoạt động tư vấn về quản trị doanh nghiệp

a. Tư vấn cho hội viên và khách hàng những vấn đề về pháp luật có liên quan đến việc thành lập, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu và giải thể, phá sản doanh nghiệp; những vấn đề về quản trị doanh nghiệp gồm: quản trị tài chính; quản trị nguồn nhân lực; quản trị thị trường; quản trị thương hiệu; quản lý đầu tư…;

b. Sưu tầm, tập hợp các tài liệu về quản trị doanh nghiệp của các nước phát triển trên thế giới, nghiên cứu khả năng ứng dụng vào Việt Nam và giới thiệu cho hội viên;

c. Tư vấn cho hội viên và khách hàng những vấn đề về quản trị doanh nghiệp.

CHƯƠNG II

HOẠT ĐỘNG PHẢN BIỆN CHÍNH SÁCH

Điều 4. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn

1. Ban có trách nhiệm thường xuyên nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn để góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

2. Hình thức nghiên cứu, tổng kết gồm:

a. Tập hợp ý kiến của hội viên VACD về những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh có nguyên nhân từ văn bản quy phạm pháp luật;

b. Gửi thư trưng cầu ý kiến nhận xét, đánh giá của ủy viên Ban Chấp hành, hội viên VACD về tính hợp lý, tính minh bạch, tính khả thi của luật, nghị định, thông tư hướng dẫn đã ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh;

c. Tổ chức hội nghị, hội thảo để trao đổi những vấn đề liên quan đến đa số hội viên.

3. Tổng hợp, lập kiến nghị gửi Ban Chấp hành VACD để phản ánh tới cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 5. Hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật

1. Thay mặt Ban Chấp hành trung ương Hội thiết lập quan hệ làm việc với các cơ quan Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ …) và các tổ chức khác (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên hiệp Hội Khoa học – kỹ thuật Việt Nam; Mặt  trận Tổ quốc Việt Nam, vv…). Chuẩn bị các văn bản thỏa thuận phối hợp với các tổ chức trên (nếu có điều kiện) để Chủ tịch Hội ký kết.

2. Đề xuất việc nhận chủ trì tổ chức góp ý cho dự thảo các chính sách, các Luật, pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp.

3. Tổ chức việc tham gia góp ý, phản biện đối với các dự thảo luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Hội và cơ quan hợp tác với Hội.

4. Cử cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành khi Hội được mời.

5. Chuẩn bị nội dung chuyên môn cho các hội nghị, hội thảo xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác do Hội tổ chức.

6. Trưng cầu ý kiến góp ý bằng văn bản, bao gồm cả văn bản qua thư điện tử, của các uỷ viên Ban Chấp hành, hội viên của Hội cho dự thảo các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư hướng dẫn và tổng hợp thành ý kiến góp ý của Hội để gửi cho cơ quan đề nghị.

7. Các hoạt động khác về xây dựng pháp luật theo yêu cầu của VACD.

Điều 6. Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế

1. Ban có trách nhiệm sưu tầm lưu trữ các văn bản, tài liệu, bài viết, bài giảng về quản trị doanh nghiệp của các nước trong khu vực và quốc tế.

2. Định kỳ báo cáo với Ban Chấp hành Hội, thông báo cho hội viên danh mục những tài liệu, tư liệu đã tập hợp được và cung cấp cho các ủy viên Ban Chấp hành, hội viên khi có yêu cầu.

Điều 7. Về danh nghĩa khi thực hiện tư vấn và phản biện chính sách

1. Trường hợp các cá nhân chuyên gia phát biểu hoặc viết bài trong các hội nghị, hội thảo, hoặc trên các phương tiện thông tin đai chúng có kèm theo chức danh của Hội (thí dụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thường vụ, Trưởng ban vv…) thì được coi là ý kiến của cá nhân chuyên gia đó, không phản ánh ý kiến hoặc quan điểm của Hội.

2.  Trường hợp các bài viết, các bản góp ý, tư vấn, phản biện là sản phẩm chung của một nhóm chuyên gia do Hội mời: sản phẩm này được coi là sản phẩm chính thức của Hội, nếu cần thiết sẽ được Trưởng ban, Tổng thư ký, Chủ tịch Hội ký tên, đóng dấu Hội với điều kiện :

–  Có danh sách các chuyên gia tham gia và được các chuyên gia đó xác nhận;

–  Phải thể hiện rõ những vấn đề được tất cả các chuyên gia nhất trí, những vấn đề còn có sự khác biệt và những chuyên gia nào có ý kiến khác biệt;

3.  Trường hợp sản phẩm tư vấn và phản biện chính sách được Chủ tịch Hội ký tên, đóng dấu nhân danh Hội: sản phẩm này phải được Ban Chấp hành Hội thông qua theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội.

Điều 8. Gửi, công bố các sản phẩm tư vấn và phản biện chính sách

1. Với sản phẩm nêu ở điểm 2 điều 7, việc gửi, công bố đến các địa chỉ nào, bằng phương tiện nào do Trưởng ban và Tổng thư ký quyết định và chịu trách nhiệm.

2. Với sản phẩm nêu ở điểm 3 điều 7, việc gửi, công bố đến các địa chỉ nào, bằng phương tiện nào do Chủ tịch Hội và Trưởng ban quyết định và chịu trách nhiệm.

CHƯƠNG III

HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN CHO HỘI VIÊN VÀ KHÁCH HÀNG

Điều 9. Nội dung tư vấn

1. Giải đáp những thắc mắc của hội viên và khách hàng về những chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Thay mặt hội viên, gửi văn bản đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan giải đáp những vướng mắc phát sinh có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

3. Trao đổi, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm về việc ứng dụng các thành tựu khoa học trong quản trị doanh nghiệp.

4. Những vấn đề  liên quan đến quản lý và quản trị doanh nghiệp do doanh nghiệp hội viên hoặc khách hàng yêu cầu.

5. Những vấn đề thuộc nhu cầu tư vấn nhưng bao gồm hoặc có khả năng dẫn đến tranh tụng tại Toà án không thuộc phạm vi tư vấn của Ban.

Điều 10. Tư vấn miễn phí cho hội viên

1. Hoạt động tư vấn cho hội viên, bao gồm cả những nội dung cần tư vấn của khách hàng của hội viên do hội viên đề nghị, là tư vấn miễn phí, trừ nội dung tại Điều 11 Quy chế này.

2. Khi có nhu cầu tư vấn, hội viên gửi đề nghị bằng văn bản hoặc thư điện tử tới Văn phòng Hội. Đề nghị tư vấn phải bao gồm nhưng không giới hạn những nội dung sau:

a. Tóm tắt về vướng mắc đang gặp phải;

b. Vấn đề cần tư vấn;

c. Thời hạn cần có ý kiến tư vấn;

d. Địa chỉ liên hệ (họ tên, số điện thoại, địa chỉ e-mail của người giao dịch trực tiếp).

3. Văn phòng Hội chuyển đề nghị tư vấn cho Trưởng Ban.

4. Trưởng Ban (hoặc người được Trưởng Ban phân công) liên hệ với người giao dịch trực tiếp có nhu cầu tư vấn để trao đổi, nhận thêm thông tin, thống nhất về phương án giải quyết.

5. Trả lời hội viên:

5.1. Với những vấn đề đơn giản, chủ yếu là hướng dẫn nghiệp vụ và hoặc thủ tục, Trưởng Ban (hoặc cán bộ thuộc Ban được phân công), trả lời hội viên qua thư điện tử. Thư trả lời đồng gửi cho Trưởng Ban (nếu người trả lời là thành viên của Ban) và Văn phòng Hội;

5.2. Với những vấn đề không cần trao đổi, xin ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng cần trả lời bằng văn bản của Hội: Trưởng Ban (hoặc cán bộ thuộc Ban được phân công) soạn thư tư vấn gửi hội viên có đề nghị tư vấn. Thư tư vấn được Trưởng ban ký, đóng dấu gửi cho hội viên. Trong trường hợp này, ý kiến tư vấn của Ban chỉ có ý nghĩa tham khảo đối với hội viên có đề nghị tư vấn.

5.3. Với những vấn đề phức tạp, cần trao đổi, xin ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước:

a. Trưởng ban (hoặc cán bộ thuộc Ban được phân công) dự thảo văn bản gửi cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đề nghị trả lời vấn đề cần tư vấn của hội viên;

b. Dự thảo văn bản được chuyển tới Văn phòng Hội, Trưởng ban hoặc Tổng thư ký Hội ký, đóng dấu và gửi cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan;

c. Khi nhận được ý kiến trả lời của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, Văn phòng Hội thông báo cho Trưởng ban, đồng thời chuyển công văn trả lời (bản sao) cho hội viên có đề nghị tư vấn.

Điều 11. Tư vấn có thu phí cho hội viên và khách hàng

1. Ban thực hiện tư vấn có thu phí đối với hội viên và khách hàng không phải là hội viên, bao gồm cả khách hàng do hội viên giới thiệu.

2. Việc tư vấn có thu phí được thực hiện với những vấn đề sau:

a. Tư vấn thường xuyên về pháp luật trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp;

b. Soạn thảo hệ thống các quy chế quản trị doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin (IRP) trong quản trị doanh nghiệp;

c. Rà soát hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính; thực hiện kiểm toán; xác định giá trị doanh nghiệp; quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình;

d. Các dự án liên quan đến Điều tra, khảo sát thị trường, đầu tư; phát triển sản xuất và kinh doanh vv….

3. Với doanh nghiệp hội viên, nếu có nhu cầu tư vấn về những vấn đề tại khoản 2 Điều này sẽ được áp dụng mức phí nội bộ theo Quy chế tài chính của Hội.

4. Trình tự thực hiện tư vấn có thu phí quy định như sau:

a. Khi nhận được nhu cầu tư vấn, Văn phòng Hội chuyển đề nghị tư vấn cho Trưởng ban qua thư điện tử hoặc thông báo bằng văn bản;

b.Trưởng ban (hoặc người được phân công) liên hệ trực tiếp với khách hàng để nhận thêm thông tin và yêu cầu tư vấn, sau đó trao đổi trong nội bộ Ban về phương án thực hiện và mức phí dịch vụ;

c. Ban đàm phán với khách hàng về phí dịch vụ, lập hợp đồng tư vấn gửi Văn phòng Hội. Trưởng ban hoặc Tổng thư ký Hội thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội ký và tổ chức thực hiện. Đối với các hợp đồng lớn, phức tạp, cần huy động nhiều nguồn lực, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội ký theo đề nghị của Trưởng ban;

d. Với những vấn đề cần tư vấn đòi hỏi điều kiện kinh doanh ngoài phạm vi hoạt động của Hội, Trưởng ban tìm một doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện để giới thiệu ký hợp đồng và thu hoa hồng nộp cho Hội.

5. Phí tư vấn thu được phân phối như sau:

5.1. Trường hợp Ban tự thực hiện hoặc chuyển cho một doanh nghiệp hội viên thực hiện các nội dung tư vấn:

a. Với khách hàng là hội viên và khách hàng tự tìm đến Hội:

  • Trích vào quỹ Hội: 30% giá trị hợp đồng;
  • Trả cho doanh nghiệp hoặc những người thực hiện: 70% giá trị hợp đồng.

b. Với khách hàng do hội viên giới thiệu:

  • Chi hoa hồng cho hội viên giới thiệu: 15% giá trị hợp đồng;
  • Trích vào quỹ Hội: 20% giá trị hợp đồng;
  • Trả cho doanh nghiệp hoặc những người thực hiện: 65% giá trị hợp đồng.

5.2. Trường hợp chuyển cho doanh nghiệp khác không phải là hội viên thực hiện: thu hoa hồng cho Hội với tỷ lệ tối thiểu 15% giá trị hợp đồng.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN

Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Ban

1. Ban do Ban Thường vụ VACD thành lập, giải thể.

2. Ban có 01 Trưởng ban do Chủ tịch Hội bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Tổng thư ký và được Ban Thường vụ thông qua. Các Phó trưởng ban, thành viên của Ban do Chủ tịch Hội bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, theo đề nghị của Trưởng ban.

3. Số lượng và thành viên của Ban do Trưởng ban đề xuất, Chủ tịch Hội quyết định, phù hợp với hoạt động của Hội trong từng thời kỳ.

Điều 13. Nguyên tắc hoạt động của Ban

1. Mọi hoạt động của Ban đều được tập trung vào một đầu mối điều hành là Trưởng ban.

2. Những vấn đề quan trọng trong tổ chức, hoạt động của Ban như soạn thảo quy chế, lập kế hoạch công tác, đề nghị bổ nhiệm Phó trưởng ban phải được trao đổi trong Ban và quyết định theo nguyên tắc đa số quá bán.

3. Các thành viên trong Ban chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng, thời hạn thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban

1. Nhiệm vụ:

a. Lập kế hoạch công tác của Ban trình Chủ tịch Hội phê duyệt;

b. Phân công các thành viên trong Ban thực hiện kế hoạch công tác được duyệt;

c. Chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai các hoạt động và/ hoặc các hợp đồng tư vấn của Ban theo quy định tại Quy chế này;

d. Những nhiệm vụ khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban do Chủ tịch Hội giao khi phát sinh.

2. Quyền hạn:

a. Phân công và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các thành viên trong Ban;

b. Đại diện của Hội trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật theo sự phân công của Chủ tịch Hội;

c. Đại diện Hội trong giao dịch để ký kết các hợp đồng tư vấn cho khách hàng theo quy chế này; Đảm nhận vai trò chủ dự án, với trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án với chất lượng và hiệu quả cao.

d. Được nhân danh Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam ký các thư từ  giao dịch, và các tài liệu, văn bản tư vấn, phản biện chính sách theo ủy quyền của Chủ tịch Hội quy định tại chế này;

e. Được quyền huy động các nguồn lực của Hội, lựa chon, ký kết các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các hợp đồng/ dự án  tư vấn đã ký kết;             

f. Được hưởng thù lao xây dựng pháp luật, thù lao tư vấn theo quy chế này.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong Ban

1. Nhiệm vụ:

a. Tích cực tham gia xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch công tác của Ban do Trưởng ban dự thảo;

b. Thường xuyên trao đổi về kế hoạch công tác và những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban với các thành viên khác của Ban qua thư điện tử;

c. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban theo thư mời của Trưởng ban;

d. Chấp hành sự phân công nhiệm vụ của Trưởng ban.

2. Quyền hạn:

a. Đề nghị Trưởng ban phân công lại nhiệm vụ nếu nhiệm vụ được giao không phù hợp với khả năng;

b. Đại diện của Hội trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật theo sự phân công của Chủ tịch Hội;

c. Được hưởng thù lao xây dựng pháp luật, thù lao tư vấn theo quy chế này.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có 04 Chương, 16 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Chủ tịch VACD ký quyết định ban hành.

2. Quy chế được sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của Hội.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
 TM. BAN THƯỜNG VỤHỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM