Thay đổi cách xưng hô cũng phải làm đề án!

Câu chuyện xưng hô trong công sở một lần nữa lại được xới lên trong dư luận khi Bộ Nội vụ vừa giao cho Viện Khoa học tổ chức nhà nước chủ trì xây dựng đề án về việc chuẩn hóa văn hóa công sở. Theo dự kiến, đề án sẽ có hai vấn đề cơ bản: chọn lựa ngôn từ xưng hô trong công sở sao cho trung tính, hiệu quả; làm sao duy trì tình thân, tinh thần đoàn kết để công việc được trôi chảy.

Bà Vũ Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước chia sẻ trên báo Thanh Niên (3-7-2014) đại ý rằng: để xây dựng được đề án thì cần phải thành lập ban chỉ đạo, ban biên tập với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các bộ ngành, đơn vị liên quan; sẽ có những hội thảo về văn hóa công sở, làm tiền đề đưa ra nghị định về chuẩn văn hóa công sở, tránh xưng hô không phù hợp.

Nhưng câu hỏi đặt ra, nếu có một đề án như thế được phát động, áp dụng, thì liệu có khả thi và giải quyết được vấn đề mang tính cứu cánh hay không?

Nói cụ thể hơn, thực tế về văn hóa xưng hô trong giao tiếp công sở nếu có thay đổi nhờ một đề án, một cuộc vận động nặng màu hành chính thì sự bình đẳng, vị thế cá nhân trong đời sống công sở nói riêng, xã hội nói chung có được cải thiện hơn?

Xin nói ngay: về hình thức, có thể thay đổi phần nào. Nhưng mục đích cuối cùng của sự thay đổi đó, là sự chuẩn hóa xưng hô có thể khiến môi trường công sở trở nên công bằng, dân chủ hơn, thì chỉ là một ảo tưởng.

Để rõ vấn đề, rất cần trả lời câu hỏi vì sao việc xưng tôi trong công sở tại Việt Nam thực sự khó khăn đến như vậy?

Trước hết, nguồn cội sâu xa nằm ở tư duy giàu duy tình, nghèo duy lý ở người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Ngôn ngữ và cách hành xử đề cao đạo đức, đặt nặng đạo lý và coi trọng các trật tự, thứ bậc ổn định trong xã hội là sự phản ánh rõ ràng nhất đặc điểm tư duy trên.

Trong cơ cấu tổ chức các cơ quan, hiện nay vẫn còn chuyện gửi gắm, “con ông cháu cha” chạy chức chạy quyền. Xa hơn, trong việc tổ chức bộ máy quản lý, người ta tự nhiên xưng hô với nhau là “bác hai, chú ba”… chỉ vì những mối quan hệ “tình nghĩa” nào đó trong quá khứ…

Trong xã hội, tiếng nói khác biệt của cá nhân bảo vệ các quyền đôi khi là cơ bản, tối thiểu của mình vẫn còn đơn lẻ, yếu ớt, chưa được tôn trọng đúng mức…

Những nguyên tắc quan hệ công việc sòng phẳng, độc lập trong công việc từ đó bị đẩy sang thứ yếu. Đổi lại, tình cảm giữa các cá nhân mới là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Và như thế, trùng trùng trong xã hội là hệ thống ràng buộc tình cảm, trùng trùng thứ bậc từ trên xuống dưới theo một nguyên tắc nhiều bên cùng có lợi được hợp thức hóa qua cách xưng hô kiểu quan hệ gia đình.

Như vậy, có thể thấy trước một đề án (chắc chắn sẽ được đầu tư tốn kém) và tiếp theo là cuộc vận động về chuẩn hóa văn hóa công sở chẳng khác nào một sự giải quyết vấn đề từ ngọn.

Có thể hình dung: vì sự ép buộc nào đó, người ta sẽ xưng tôi trong công sở cho đúng chủ trương, nhưng nếu không có những thay đổi gốc rễ từ tư duy văn hóa, từ sự bình đẳng trong quan hệ con người, từ sự tôn trọng các giá trị cá nhân trong xã hội, thì chuyện thay đổi xưng hô với nhau, chỉ trên đầu môi chót lưỡi, liệu có ích gì!

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn