Rủi ro trong Quản trị Doanh nghiệp – Chuyện không của riêng ai

Phân tích những rủi ro luôn thường trực trong công tác quản trị doanh nghiệp và đề ra giải pháp hiệu quả là những gì Hội thảo “Rủi ro trong quản trị doanh nghiệp” mang lại vào ngày 14 tháng 8 năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Gala Royale. Diễn giả chính của chương trình gồm bà Tiêu Yến Trinh (Tổng giám đốc Talentnet), ông Nguyễn Ngọc Bách (Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn AsiaInvest), ông Đỗ Hoà (Chủ tịch IME Việt Nam).

Đừng quy hết cho phòng tài chính
Trong quá trình vận hành doanh nghiệp (DN) không thể tránh khỏi những rủi ro do nhiều yếu tố chủ quan hoặc khách quan gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp. Rủi ro có thể đến từ các hoạt động của bất kỳ bộ phận nào trong doanh nghiệp hoặc cũng do ý thức của mỗi cá nhân chưa tốt trong việc chấp hành kỷ luật lao động. Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn các chính sách và quy trình quản trị rủi ro khi có bất cập xảy ra. Theo ông Nguyễn Ngọc Bách: “Có nhiều phương thức để xác định rủi ro. Nếu các nhà lãnh đạo cấp cao tuân thủ quy định, đánh giá chất lượng kiểm toán, quản trị rủi ro tốt sẽ tránh được tình trạng nợ xấu”.

[Các diễn giả tham dự chương trình]

Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp luôn mặc định các vấn đề về doanh thu, ngân sách đều thuộc trách nhiệm của phòng tài chính quản lý mà không nhận ra rằng căn nguyên chính là phương thức quản lý của các CEO, những người điều hành DN. Một trong các điểm hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam được ông Đỗ Hoà nêu ra là quá coi trọng việc bảo mật thông tin, không có sự liên kết giữa các phòng ban và cấp trên với cấp dưới nên gặp khó khăn khi xác định rủi ro, quản lý. Nhiều nhà quản lý liên tục vẽ ra một sơ đồ phát triển doanh nghiệp với các chỉ số về mục tiêu cao ngất ngưỡng mà không suy xét đến tình hình thực tế bên ngoài cũng như năng lực doanh nghiệp. Như đã nói, rủi ro như con rắn “chờ thời”, nếu các doanh nghiệp không sớm chủ trương tìm biện pháp khắc phục thì có thể dẫn đến phá sản.

[Diễn giả Đỗ Hoà – Chủ tịch IME Việt Nam]

Tại hội thảo, diễn giả đưa ra nguyên tắc 4T (Take, Transfer, Terminate, Treat) trong ứng phó với rủi ro. Để nguyên tắc này có hiệu quả đòi hỏi các DN phải xác định được xuất phát điểm rủi ro, từ đó triển khai kế hoạch hành động phù hợp. Hơn hết, các diễn giả đều cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi hệ thống quản lý nhân viên trong DN. Đồng thời, các nhà lãnh đạo nên đánh giá cao nhận định của những nhân viên khác để đưa ra cái nhìn khách quan nhất.
 

Chú trọng rào cản về Nhân sự

Theo kết quả khảo sát từ công ty Talentnet mà bà Tiêu Yến Trinh (Tổng giám đốc Talentnet) đưa ra cho thấy chỉ 8% doanh nghiệp trong số đó có bộ phận chuyên quản lý rủi ro. Điều này báo động thực trạng các chủ doanh nghiệp vẫn còn quá thờ ơ, xem thường rủi ro. Song song đó, tỉ lệ những DN quan tâm, giải quyết những rủi ro về nhân sự cũng còn quá ít. Việt Nam được các nhà quản trị đánh giá là quốc gia có tiềm năng về nguồn nhân lực và không thiếu nhân tài. Dù vậy, nhiều “ tài năng Việt” ngày nay vẫn có tác phong làm việc thiếu nghiêm túc, có phần hiếu thắng nhưng lại được các CEO “cho qua” vì những đóng góp trước mắt họ mang lại cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, những rủi ro nhân sự thường gặp liên quan đến năng suất, năng lực điều hành, cũng như khả năng của nhân viên ít được các nhà lãnh đạo chú trọng. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển chung của DN. Vì vậy, doanh nghiệp cần đào tạo những chuyên viên điều phối quản trị rủi ro có tầm nhìn rộng và linh hoạt khi giải quyết vấn đề phát sinh.
Không chỉ tập trung vào nhân sự, thời gian gần đây, bộ phận Kinh doanh – Marketing của một số doanh nghiệp không lường trước được nhiều rủi ro đến từ thị trường. Ông Đỗ Hoà cho biết: “Đa phần các nhân viên Marketing hiện nay thường đốt cháy giai đoạn phân tích thị trường mà đề xuất hẳn một kế hoạch truyền thông hoàn toàn không có cơ sở dẫn đến thất bại”. Do đó, trước khi tung ra bất kì chiến lược nào, doanh nghiệp cần phải phân tích kỹ sản phẩm dịch vụ của mình có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không. Đặc biệt cần lưu ý tới các kênh phân phối, tránh tình trạng xây dựng thương hiệu truyền thông nhưng lại không tìm được kênh cho sản phẩm. Qua đó, hội thảo nêu rõ nhận thức của người lãnh đạo cũng như biết cách truyền tải nhận thức đó đến nhân viên đóng vai trò quyết định trong việc xử lý rủi ro.
Hội thảo “Rủi ro trong quản trị doanh nghiệp” do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cùng các Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO), Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) và Câu lạc bộ Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO) đồng tổ chức, đã thu hút hơn 60 CEO, nhà quản lý nhân sự, tài chính đến từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn. Doanh nghiệp không nên để “mất bò mới lo làm chuồng” mà cần nắm bắt ngay những bất cập tồn đọng và đưa ra chiến lược lâu dài nhằm khắc phục thực trạng này.