Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu vào ASEAN?

Việt Nam và các nước ASEAN đang trong giai đoạn nước rút đàm phán tiến tới xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) được kỳ vọng ra đời vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, VN được gì, mất gì trong cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp VN có tận dụng được cơ hội mở cửa để tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hoá, cạnh tranh với các quốc gia nội khối là vấn đề mà các chuyên gia kinh tế nhận định không dễ dàng.
Cuộc chơi lớn nhất từ trước tới nay
Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính gồm: Chính trị – Kinh tế – Văn hoá, xã hội, trong đó trụ cột kinh tế với việc thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ kỳ vọng tạo nên một thị trường đơn nhất, không gian sản xuất chung giữa các nước trong nội khối thông qua việc liên kết sản xuất, tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Hội nhập ASEAN, VN và các nước không chỉ liên kết khu vực, liên kết nội khối mà đã tham gia cuộc chơi toàn cầu từ hơn 1 thập kỷ qua. Với việc các nước ASEAN ký Hiệp định ưu đãi thuế quan CEPT/AFTA trước đây và nay là hiệp định ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN), cho phép tự do hàng hoá tối đa.
Theo đó, các nước ASEAN-6 gồm: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines và Brunei buộc phải cắt giảm 99% số dòng thuế về 0% ngay vào năm 2010. Các nước CLMV (gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) sẽ xoá bỏ vào năm 2015, nhưng một số dòng thuế được linh hoạt đến 2018. Ngoài cam kết trong nội khối, ASEAN còn ký 5 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 6 nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand và đang đàm phán một hiệp định tổng thể với 6 đối tác này (RCEP) để tiến đến ký kết.
Như vậy có thể thấy, VN đang chơi một cuộc chơi toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay. Điều này sẽ mở ra cho VN cơ hội và thách thức vô cùng lớn. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chỉ tính riêng trong một thập kỷ hội nhập ASEAN, kim ngạch thương mại 2 chiều VN-ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỉ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỉ USD năm 2013. Năm 2013, ASEAN là thị trường XK lớn thứ 3 của VN, sau Mỹ và EU với kim ngạch 18,47 tỉ USD. 3 tháng đầu năm, XK từ VN sang ASEAN vẫn duy trì vị trí, với kim ngạch đạt 4,7 tỉ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ.
VN đang giảm sức cạnh tranh
Mặc dù VN đang đứng trước nhiều cơ hội, song các chuyên gia kinh tế đều nhận định, nếu không biết tận dụng triệt để các cơ hội thì khả năng cạnh tranh của VN ít thành công, VN vẫn trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng thứ hạng không cao và giá trị gia tăng thu được là rất nhỏ. TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN) cho rằng: “Nhìn lại chặng đường hội nhập đã qua của VN như WTO, ASEAN và sắp tới là TPP thì sự chuẩn bị các điều kiện ở trong nước là vô cùng quan trọng để đón đầu sự hội nhập. Song VN đã không có sự chuẩn bị kỹ cả về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh cho đến sức cạnh tranh của các DN nên việc tận dụng các cơ hội mở ra là không đáng kể.
Một số “yếu huyệt” mà TS Thành chỉ ra cũng là những điểm yếu nội tại của nền kinh tế như năng suất lao động thấp, hiệu suất sử dụng vốn (ICOR) giảm mạnh, việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế chậm và không bền vững, đầu tư tư nhân yếu trong tổng thể cơ cấu đầu tư toàn xã hội; chi tiêu công có xu hướng mất kiểm soát, thâm hụt ngân sách cao; kinh tế vĩ mô bất ổn thường trực… Tất cả những điểm yếu này nếu không được tầm soát và khắc phục thì độ mở của nền kinh tế càng lớn, VN càng hứng chịu nhiều thua thiệt.
Đứng ở góc độ thị trường, bà Phạm Thị Hồng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) – nhận định: Cơ cấu XK của VN sang ASEAN chủ yếu là nông hải sản, khoáng sản thô, sơ chế có giá trị thấp, hàm lượng giá trị gia tăng không cao. Trong khi đây cũng là những mặt hàng các nước thành viên ASEAN có lợi thế. Hai trong số các mặt hàng XK chiếm kim ngạch và tỉ trọng lớn nhất là dầu thô (chiếm 40%) và gạo (khoảng 10%) thì gạo lúc tăng, lúc giảm và không chịu tác động từ việc giảm thuế. Mặt hàng dầu thô cũng tiếp tục giảm do VN đã có nhà máy lọc dầu và chính sách hạn chế XK tài nguyên của Chính phủ. Vì vậy, giai đoạn hậu AEC bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống thì VN cần gỡ bỏ các rào cản để hội nhập thành công vào các thị trường khu vực và thị trường các nước ASEAN +6.

Tác giả: Hồng Quân

Nguồn: Lao động online