HT “Quản trị lưu trữ doanh nghiệp trong thời kỳ tái cấu trúc”

Sáng ngày 14/12/2013, tại Trung Tâm Lưu trữ quốc gia I – 18 Vũ Phạm Hàm – Cầu Giấy – Hà Nội, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị lưu trữ doanh nghiệp trong thời kỳ tái cấu trúc”.
Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo

Đến dự Hội thảo về phía Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam có TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội; Bà Phan Việt Nga – Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội; ông Trần Bá Trung – Phó Chủ tịch Hội; ông Đỗ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bạch Đằng; Ông Đinh Văn Hiến – Phó Chủ tịch Hội, TGĐ Công ty Cơ điện Đo lường Tự động hóa DKNEC cùng một số ủy viên BCHTW và hội viên Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam có PGS.TS Dương Văn Khảm – Chủ tịch Hội, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Ông Hoàng Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội; PGS.TS Triệu Văn Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Tổng thư ký Hội; Ông Hà Văn Huề – Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I Hà Nội cùng đông đảo các ủy viên BCHTW Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam, các nhà khoa học và đại diện lãnh đạo Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Lưu trữ các Bộ, ngành. Ngoài ra còn có các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo khoa học “Quản trị lưu trữ doanh nghiệp trong thời kỳ tái cấu trúc” đặt ra mục tiêu chung là: khai thác trí tuệ tập thể, để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt các quy định của Luật lưu trữ và các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý tài liệu lưu trữ của các tổ chức kinh tế.

Quản trị lưu trữ doanh nghiệp, với định hướng là làm cho tài liệu lưu trữ doanh nghiệp phục vụ đắc lực cho yêu cầu chuyển đổi các mô hình tổ chức doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường năng lực cạnh tranh. Qua đó, phát huy vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế Nhà nước. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp gắn liền với quản trị lưu trữ, đảm bảo cho việc nghiên cứu phát triển nền kinh tế bền vững, ổn định, không những cho doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, mà cho cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động và cả từng tập đoàn sản xuất kinh doanh. 

Các tham luận của hội thảo có nội dung chủ yếu đánh giá thực trạng việc quản lý lưu trữ doanh nghiệp hiện nay của các cơ quan quản lý ngành lưu trữ; qua đó tìm ra các giải pháp có hiệu quả để quản lý lưu trữ doanh nghiệp, trước hết là việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý để hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật lưu trữ về quản lý tài liệu lưu trữ doanh nghiệp với tư cách là một trong các thành phần rất quan trọng của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia chia sẻ rất tích cực của các doanh nghiệp hội viên Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam như ThS Đỗ Hồng Khanh, TS Trần Bá Trung, Luật gia Vũ Xuân Tiền, TS Vũ Huy Thủ, PGS.TS Vũ Thị Phụng và Ông Lê Ngọc Quang.

Đồng thời, các đại biểu tham dự hội thảo được tham quan Trung tâm lưu trữ quốc gia I Hà Nội, được thấy những tài liệu lưu trữ thời phong kiến và thời Pháp thuộc vẫn còn được lưu giữ nguyên bản.

Các ủy viên BCH VACD tham quan Khu lưu trữ tài liệu thời Phong kiến
Ban Tổ chức Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức đã tổng hợp các ý kiến tham luận và chia sẻ thành bản khuyến nghị để gửi đến các cơ quan chức năng của nhà nước và các nhà quản trị doanh nghiệp. Trong đó, đề nghị các cơ quan chức năng của nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lưu trữ doanh nghiệp; Nghiên cứu xây dựng một Nghị định của Chính phủ về lưu trữ doanh nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và các biện pháp thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lựa chọn, thu thập, tổ chức khoa học, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ ; đồng thời có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc quản lý tài liệu lưu trữ hoặc ký gửi, hiến tặng tài liệu vào các lưu trữ lịch sử của nhà nước; tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo, phổ biến kiến thức, tư vấn về kỹ thuật lưu trữ tài liệu. Và khuyến nghị đối với các nhà quản trị doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm và có biện pháp cụ thể để tổ chức công tác lưu trữ theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tổ chức lựa chọn, thu thập, tổ chức khoa học, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chứng minh, bảo vệ cho quyền lợi của doanh nghiệp; biên soạn lịch sử và xây dựng văn hóa doanh nghiệp; đồng thời góp phần vào việc ổn định, phát triển kinh tế và phục vụ cho những lợi ích lâu dài của quốc gia.