Đại biểu Quốc hội tìm lời giải cho bài toán nợ công

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Nếu không xử lý quyết liệt thì sự gia tăng nợ công và áp lực trả nợ đến hạn đối với NSNN là rất lớn.

Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều năm nay đánh giá nợ công đang ở mức cao và đã gần chạm ngưỡng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu hạch toán đầy đủ các khoản thì con số nợ công sẽ hết sức đáng ngại.
Chia sẻ với ý kiến này, ông Bùi Đức Thụ – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều khó khăn dồn tích từ nhiều năm chúng ta không dễ gì khắc phục trong một thời gian ngắn.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam những năm gần đây so với khu vực cũng đạt mức tăng trưởng khá, nhưng so với giai đoạn trước thì mức tăng trưởng thấp hơn nhiều. Nếu như giai đoạn trước, chúng ta tăng trưởng trên dưới 7% nhưng nay thấp hơn. Năm 2013 chỉ tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,8%, và kỳ vọng 2015 với cải cách và sự phục hồi kế hoạch Chính phủ trình QH khoảng 6,2%.

Mặc dù kinh tế có những tăng trưởng nhất định, nhưng nợ công tốc độ tăng tương đối cao. Năm 2014 dư nợ công đã chiếm 60,3% GDP và với bội chi NSNN 2015 trình QH dự kiến giảm còn 5% GDP nhưng nợ công sẽ tăng rất cao và ước tính đạt 64% GDP. Vấn đề đặt ra là những con số nợ công hiện nay đã phản ánh chính xác thực trạng nợ công của Việt Nam chưa. Theo thông lệ quốc tế, nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
Về số liệu cơ bản của nợ công, chúng ta đã hạch toán tương đối đầy đủ 3 khoản nợ đó, nhưng trên thực tế chúng tôi còn thấy một số khoản chưa được hạch toán đầy đủ vào nợ công đó là các khoản nợ của NSNN, như khoản nợ Quỹ hoàn thuế GTGT. Tính đến năm 2011 chúng ta nợ quỹ hoàn thuế GTGT trên chục nghìn tỷ, và năm 2014 dự toán hoàn thuế là 70.000 tỷ đồng nhưng ước thực hiện là 77.700 tỷ đồng. Nếu như không xử lý bằng nguồn vượt thu của 2014 để bù Quỹ hoàn thuế GTGT thì 2 khoản này dẫn đến nợ của ngân sách đối với Quỹ hoàn thuế GTGT đã lên đến hơn 20.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ bù chênh lệch lãi suất của Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng lên đến hơn 20.000 tỷ đồng… Như vậy nếu tính đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của NSNN, tôi cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP còn cao hơn một chút.

Kiểm soát bằng được mức tăng trưởng nợ công theo hướng giảm
** Theo phân tích của ông thì tình hình nợ công đã hết sức đáng lo, nhưng không thể nói chung chung. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Bùi Đức Thụ: Đánh giá tình hình nợ công ở điều kiện năm 2014, 2015, dư nợ của Chính phủ đã tiến nhanh, sát trần nợ công, nhưng nếu muốn xem xét khả năng an ninh tài chính của chúng ta ra sao, phải so sánh nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu. So với thu NSNN thì tỷ trọng nghĩa vụ trả nợ đúng hạn chiếm tỷ lệ cao so với thu ngân sách. Năm 2014 chiếm gần xấp xỉ 1/4 và năm 2015, nghĩa vụ trả nợ ngân sách chiếm đến 32%. Tôi cho rằng, đó là phản ánh vấn đề nợ công đang nóng.
So với kim ngạch xuất khẩu, nợ công cũng chiếm tỷ trọng cao. Và trong tài khóa những năm qua, cân đối NSNN rất khó khăn vì vậy việc bố trí cân đối NSNN để thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng không bố trí một cách đầy đủ. Năm 2013, chúng ta bố trí được cơ bản số nợ đến hạn. Năm 2014 số vay đảo nợ lên đến 70.000 tỷ đồng và năm 2015 bố trí trả nợ tăng cao so 2014, ở mức 150.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải vay đảo nợ đến 130.000 tỷ đồng. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ của chúng ta lớn, gây áp lực đến cân đối NSNN và những năm tiếp theo. Tôi cho rằng, nếu không xử lý quyết liệt thì sự gia tăng nợ công và áp lực trả nợ đến hạn đối với NSNN là rất lớn.
** Vậy để đưa nợ công về mức an toàn cho phép, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia trong trước mắt cũng như lâu dài, cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Bùi Đức Thụ: Để khắc phục tình trạng này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải lặp lại cân đối và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, theo hướng giảm nợ công xuống dưới giới hạn an toàn cho phép và nghĩa vụ trả nợ hàng năm so với kim ngạch xuất khẩu và so với tổng thu NSNN cũng phải giảm xuống.
Để làm được điều đó phải xử lý một loạt các giải pháp. Thứ nhất, phải rà soát lại việc điều chỉnh chính sách thu trong những năm qua, tỷ lệ động viên vào NSNN đã giảm liên tục và không đạt được kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh kinh tế- xã hội hiện nay khó khăn, DN cũng hết sức khó khăn. 9 tháng đầu năm có tới 48.000 DN dừng hoạt động và 2/3 số DN đang hoạt động khai báo không phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, vẫn phải rà soát lại để đảm bảo chính sách động viên đối với từng ngành hàng, từng lĩnh vực cho phù hợp; một mặt phải đảm bảo điều tiết NSNN ở mức hợp lý, và đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế của các tổ chức cá nhân và việc chống thất thu NSNN cũng phải được quan tâm đúng mức, để thực hiện thu đúng, thu đủ theo luật định.
Còn đối với chi NSNN, với cân đối ngân sách khó khăn cùng áp lực nợ công, quan điểm chung là triệt để tiết kiệm, chỉ bố trí cho những vấn đề thực sự cấp bách, hạn chế tình trạng lãng phí, nhất là việc tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, mua sắm những phương tiện đi lại, xây trụ sở quá mức cần thiết sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia và bội chi NSNN.
Đối với chi đầu tư phát triển, 2 năm nay chúng ta cũng đã bố trí ở mức thấp, vay để bù đắp bội chi NSNN, chỉ dành phần lớn cho đầu tư phát triển và phải sử dụng một phần trả nợ. Điều này cũng chưa thật sự phù hợp với quy định của Luật NSNN là vay bù đắp bội chi NSNN phải dành toàn bộ cho đầu tư phát triển và nguồn thu từ tiền sử dụng đất cũng phải dành cơ bản để đầu tư phát triển. Cân đối NSNN 2014, 2015 bố trí cho đầu tư phát triển chúng ta cũng chưa đạt được điều đó.
Và trong bối cảnh đó, chi đầu tư phát triển cũng phải cơ cấu lại theo hướng triệt để tiết kiệm và có phân kỳ đầu tư, đảm bảo cân đối giữa nhiệm vụ đầu tư và điều kiện về vốn cho ổn định. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả kém, đầu tư vào các công trình chưa thực sự cấp bách.
Trên cơ sở triệt để tiết kiệm chi như vậy, điều chỉnh tỷ lệ động viên ở mức hợp lý để giảm bội chi NSNN và trên cơ sở cơ cấu lại chi như vậy sẽ tăng được phần để ưu tiên cho trả nợ. Và với dự toán NSNN 2014, ước thực hiện thu NSNN so với dự toán khả năng vượt lớn, Chính phủ báo là vượt 63.700 tỷ đồng. Như vậy ngoài việc sử dụng nguồn thu để thực hiện theo các quy định như thưởng cho NSĐP, thực hiện cơ chế đặc thù đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM thì nên sử dụng cơ chế hỗ trợ một phần hụt thu mà do nguyên nhân khách quan, do điều chỉnh chính sách, phần còn lại chủ yếu dành để trả nợ. Chỉ có làm như vậy thì mới kiểm soát được mức tăng trưởng của nợ công theo hướng giảm dần, đưa về khung an toàn của an ninh tài chính quốc gia.

Tăng trưởng GDP 6,2% năm 2015 có khả thi
** Theo báo cáo của Chính phủ, GDP liên tục tăng, trong khi đó nợ công lại không giảm, hiện chúng ta đã phải đi vay để đảo nợ, như vậy theo ông ở đây có bất hợp lý không?
Ông Bùi Đức Thụ: Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào hai chỉ tiêu chủ yếu, một  là tổng đầu tư toàn xã hội và thứ hai là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội. Nếu như quy mô vốn đầu tư không thay đổi, nhưng hiệu quả sử dụng tốt hơn, năng suất lao động tăng lên thì GDP vẫn tăng. Nếu như tốc độ tăng năng suất lao động cũng như hiệu quả sử dụng các nguồn lực để đầu tư ở một trạng thái nhất định thì việc tăng quy mô về vốn cũng có ý nghĩa làm tăng GDP.
Trong những năm qua, hiệu quả kinh tế – xã hội của chúng ta cũng có chuyển biến, thể hiện ở ICOR (hệ số sử dụng vốn) giảm dần, đó là một tiến bộ trong đổi mới.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư của chúng ta những năm qua cũng tăng và xét trên tỷ trọng đối với GDP thì cũng giữ ở mức hợp lý là khoảng 7,6% GDP. Đó là đầu tư từ ngân sách. Điều quan trọng là đầu tư từ ngân sách chỉ đầu tư tập trung ở cơ sở hạ tầng, nó là vốn mồi, nhưng nếu chúng ta tập trung xử lý tốt thì nó sẽ có tác dụng thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư.
Vì vậy, tôi quan tâm đến việc tỷ trọng đầu tư toàn xã hội so với GDP. Đầu tư từ ngân sách năm 2015 giữ được tỷ trọng như năm 2014, là 195.000 tỷ đồng thì cũng đảm bảo tỷ trọng trên GDP như năm 2014, nhưng tổng đầu tư toàn xã hội của năm 2015 cũng ước khoảng 30% (2014 ước là 30,1%). Như vậy có vấn đề đặt ra là tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP 2015 so với 2014 cơ bản bằng nhau, nhưng tăng trưởng của 2015 là 6,2% cao hơn hẳn ước của 2014 là 5,8%.
** Theo như phân tích của ông thì khả năng tăng trưởng GDP năm 2015 theo như Chính phủ đề ra là 6,2% là có thể thực hiện được?
Ông Bùi Đức Thụ: Để hiện thực hóa, cần phải làm hai việc. Thứ nhất, phải tăng cường quản lý đối với lĩnh vực đầu tư nói chung, và đầu tư từ ngân sách nói riêng. Thứ hai, tiếp tục huy động các nguồn vốn trong ngoài nước để đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán, vay ODA của nước ngoài và huy động các nguồn lực trong nước…
Tôi cho rằng, dư địa để huy động đầu tư trong, ngoài nước của chúng ta vẫn còn rất lớn, nếu như chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi cải cách thể chế thì có thể tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, có thể thu hút được các nguồn lực đầu tư ngoài nước lớn hơn đối với trong nước.
Qua theo dõi, nhiều năm tôi thấy GDP của Việt Nam đến năm 2014 ước đạt 190 tỷ USD trong đó 71-72% là tiêu dùng cuối cùng, như vậy phần tiết kiệm trong nước còn tương đối lớn. Nếu phần tiết kiệm trong nước này cộng với phần đầu tư trực tiếp nước ngoài, cộng với nguồn vay ODA và các khoản giao dịch vãng lai khác như kiều hối của nước ngoài gửi về (năm 2014 này lượng kiều hối nước ngoài gửi về Việt Nam ước đạt 12 tỷ USD), thì tổng nguồn tài chính trong nước của chúng ta vẫn còn rất lớn. Tôi cho rằng đó là những nguồn lực có thể khai thác được cao hơn và cần có cơ chế huy động, chính sách quản lý sử dụng để thu hút các nguồn lực này đầu tư vào nền kinh tế. Trong chừng mực như vậy thì tăng trưởng 6,2% thậm chí có thể đạt được trên mức đó.
** Xin cảm ơn ông!./.

Tác giả: Thanh Hà