Khuyến nghị cho các doanh nghiệp về một số biện pháp ứng phó với lạm phát.

KHUYẾN NGHỊ CHO CÁC DOANH NGHIỆP VỀ MỘT SỐ

BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ VỚI LẠM PHÁT

Giá cả tăng mạnh, cán cân thương mại thâm hụt nghiêm trọng, kinh tế phát triển chậm lại, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc có khó khăn gay gắt, một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản…, đó là một phần của tình trạng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt. Trước tình hình đó, ngày 24/7/2008, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức một cuộc Hội thảo với chủ đề “Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp”. Qua một ngày thảo luận, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu, gồm các nhà quản trị doanh nghiệp Việt nam, các chuyên gia trong và ngoài nước, Hội nghị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hết sức phong phú và bổ ích. Dưới đây là 10 kinh nghiệm chung nhất mà Hội thảo rút ra để khuyến nghị với các doanh nghiệp ở trong và ngoài Hội. Hy vọng, các khuyến nghị này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp.

Khuyến nghị 1 – Phát huy tối đa vai trò và bản lĩnh của người lãnh đạo trong thời điểm khó khăn; chuyển vị thế của doanh nghiệp từ phòng thủ sang tấn công: Không thể coi lạm phát là “vấn đề của quốc gia, doanh nghiệp chỉ là nạn nhân”, mà phải coi đó cũng là vấn đề của từng doanh nghiệp. Phải xác định rõ những bất lợi do lạm phát mang lại và những lợi thế mà mình còn tận dụng được trong lạm phát, tính toán cơ chế đánh đổi giữa cái được, cái mất do tác động của lạm phát, chuyển rủi ro thành cơ hội sáng tạo để có thể thành đạt trong cơn bão giá.

Khuyến nghi 2 – Lượng hóa tác động của lạm phát đến tất cả các mặt của hoạt động công ty, đến từng khoản mục trong bản cân đối tài sản của công ty. Chia sẻ tình hình, các khó khăn, các kế hoạch hành động đến tất cả các phòng ban, các cán bộ, nhân viên trong công ty. Chia sẻ thông tin cho các đối tác, các nhà cung cấp, các khách hàng , giúp họ hiểu rõ hơn đâu là cơ hội, đâu là thách thức. Đó là cơ sở để tăng cường mối quan hệ hợp tác, cùng vượt qua khó khăn.

Khuyến nghị 3 – Cố gắng soát xét và cấu trúc lại các khoản nợ phải thu: Bằng mọi cách cố gắng thu nợ sớm, củng cố chứng từ, sổ sách để thu được nợ sau một thời hạn nhất định, không để phát sinh những khoản nợ khó đòi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên xem xét thực hiện chính sách chiết khấu, giảm giá hấp dẫn hơn cho việc thanh toán ngay.

Khuyến nghị 4 – Kiểm soát chặt chẽ chi phí, phát động phong trào tiết kiệm tại doanh nghiệp.

 Khẩn trương rà soát toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh trong tất cả các khâu cung ứng, sản xuất và lưu thông dưới ảnh hưởng của lạm phát. Tùy theo tình hình cụ thể, doanh nghiệp có thể sẽ phải có những biện pháp quyết liệt như: cắt giảm chi phí về nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, tinh giản lao động, giảm quy mô sản xuất ở mức độ nhất định… để có thể vượt qua khó khăn.

Phát động rộng rãi phong trào tiết kiệm trong cán bộ, công nhân viên, kiên quyết loại bỏ các khoản chi tiêu  không thật cần thiết; khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên nhiên vật liệu; động viên, khen thưởng kịp thời các sáng kiến giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và tiết kiệm chi phí.

Khuyến nghị 5 – Chủ động tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa dự phòng.

Mở rộng, tìm kiếm  các nguồn cung ứng thay thế để đảm bảo đầu vào ổn định về cả chủng loại, số lượng và giá cả. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tránh được những tác động từ áp lực tăng giá của các nhà cung ứng hiện tại, đảm bảo sự bình ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như khả năng cung ứng hàng hóa với mức giá ổn định.

Khuyến nghị 6 – Quan tâm đúng mức đến đội ngũ nhân viên:Trong bối cảnh lạm phát, cần quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo cuộc sống của những người lao động thu nhập thấp, riêng đối với những người thu nhập cao và trung bình, nên động viên họ chưa đòi tăng lương nếu doanh nghiệp chưa có điều kiện. Đồng thời, xây dựng, duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tổ chức công đoàn cơ sở, chia sẻ thông tin và động viên cán bộ, công nhân viên cùng hợp lực giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Khuyến nghị 7 – Cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng: Mặc dù đang phải giải quyết rất nhiều khó khăn hàng ngày, nhưng các doanh nghiệp vẫn cần quan tâm đến hoạt động cải tiến, tối ưu hóa quy trình công nghệ (sản xuất, dịch vụ, quản lý) nhằm nâng cao hơn nữa năng suất lao động của tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp, giảm giá thành và tăng thêm giá trị cho hàng hóa, dịch vụ, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.

Khuyến nghị 8 – Cơ cấu lại doanh nghiệp và xem xét lại chiến lược phát triển

Cùng với các giải pháp cấp bách, mang tính ngắn hạn trình bày ở trên, để ứng phó với những ảnh hưởng lâu dài do lạm phát cao mang lại, VACD cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong giai đoạn tới đây cần tiếp tục xem xét cơ cấu lại doanh nghiệp, xem xét lại các chiến lược về sản phẩm, thị trường, nguồn nhân lực, vị thế cạnh tranh v.v… để có được một chiến lược phù hợp và bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến công tác thu thập thông tin và dự báo kinh doanh để qua đó có thể thực hiện những điều chỉnh chính xác, kịp thời đối với hoạt động trong từng thời kỳ.

Khuyến nghị 9 – Xem xét lại Danh mục đầu tư trong Kế hoạch ngân sách năm 2008 và Tái cấu trúc vốn (theo hướng cơ cấu lại doanh nghiệp), cân nhắc tạm hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án đầu tư mới  để tập trung vốn và các nguồn lực cho những dự án cần ưu tiên triển khai sớm. Bên cạnh đó, cần đảm bảo xem xét lựa chọn phương án mang lại hiệu quả tối ưu trong việc sử dụng tiền vốn cho các hoạt động đầu tư.

Ngoài ra, cần xem xét lại cấu trúc vốn, đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động  để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. 

Khuyến nghị 10 – Suy nghĩ về việc Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro (risk management) trong doanh nghiệp: Đã đến lúc cấn suy nghĩ và nhận thức một cách nghiêm túc về tầm quan trọng của hoạt động quản lý rủi ro, chủ động trong thiết lập và duy trì một hệ thống quản lý rủi ro, hoạt động có hiệu quả. Một khi rủi ro được dự báo trước, được phân loại và đánh giá mức độ cần ưu tiên ứng phó (dựa trên khả năng rủi ro trở thành hiện thực và mức độ ảnh hưởng) doanh nghiệp hoàn toàn có thể triển khai những kế hoạch ứng phó hữu hiệu. Một hệ thống quản lý rủi ro có hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những biến cố có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, kể cả trong giai đoạn lạm phát tăng cao như hiện nay.

Tác giả: vacd.vn

Nguồn: vacd.vn